Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết ông đã có kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội vào cuộc để giám sát tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải đang thu hút sự quan tâm, theo dõi rất lớn của dư luận.
Theo ông Vân, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong phiên giám đốc thẩm vừa qua không thỏa đáng với các căn cứ đã được VKSND Tối cao đưa ra trong kháng nghị trước đó.
Hơn nữa, quyết định của Hội đồng Thẩm phán sẽ dễ tạo ra tiền lệ không tốt về sau với nhận định “có sai phạm trong tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”. Từ đó có thể dẫn tới chủ quan, xem thường quy trình tố tụng hình sự.
Ông Vân đề nghị Quốc hội giám sát lập luận “có sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã đưa ra. Khi vụ án có nhiều thủ tục tố tụng bị vi phạm như vậy thì rất cần được điều tra lại.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phân tích, có thể xem xét, áp dụng quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Cụ thể, Điều 404 quy định: Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, trường hợp Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Ông Vân phân tích: Do Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra kháng nghị hủy án, Chánh án TAND Tối cao là chủ toạ hội đồng xét xử vừa qua, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thì đã có ý kiến từ năm 2015, nên hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tiến hành giám sát vụ án này. Từ đó có thể yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án.
Đồng quan điểm, chiều 11/5, Tiến sĩ luật Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định, theo nguyên tắc thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Vụ án này đến nay vẫn có thể được xem xét theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
"Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm nghiêm trọng hoặc phát hiện có tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không phát hiện được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó"- ông Biểu nói.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của tử tù Hồ Duy Hải) có đơn gửi đến bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong đơn, bà Loan có nhắc đến thời điểm cách đây 5 năm khi đoàn giám sát của Quốc hội do bà Lê Thị Nga làm Trưởng đoàn đã gặp gia đình bà. Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án khi đó gửi Quốc hội đã kết luận: “Việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm”.
Do đó, bà Loan “một lần nữa khẩn thiết đề nghị” bà Lê Thị Nga có kiến nghị, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ngày 8/5 vừa qua.