"Ông trùm bảo kê chợ Long Biên" khá bình tĩnh, thường xuyên cười
Sáng 25/7, tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", SN 1963) và đồng phạm trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên sau khi hoãn vào ngày 11/7.
Cùng ra tòa với Hưng "kính" còn có 4 nhân viên của tổ bốc dỡ số 2 gồm Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968).
Khoảng 8h sáng, các bị cáo được cảnh sát dẫn giải đến phiên tòa. Hưng "kính" mặc áo xanh và quần trắng. Sau khi được đưa vào phòng xét xử, trong lúc chờ HĐXX vào bắt đầu phiên tòa, bị cáo Hưng "kính" tỏ ra khá thoải mái, thường xuyên nở nụ cười, tìm kiếm người thân phía dưới.
Đúng 8h45 phiên tòa bắt đầu. Theo thông tin từ HĐXX, có một nhân chứng và luật sư có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.
Nguyễn Kim Hưng được dẫn giải vào tòa.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, việc vắng mặt của nhân chứng không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, bởi trước đó, chị này đã có lời khai trong quá trình điều tra nên đề nghị tiếp tục xét xử.
Trong phần kiểm tra đối với những người được triệu tập đến phiên tòa, HĐXX cho biết, do bị cáo Hưng "kính" bị đau chân nên được cho ngồi để trả lời các câu hỏi.
Phần kiểm tra cũng xác định, bị cáo Hưng "kính" đã từng bị cơ quan công an Hà Nội xử lý hành chính về nhiều hành vi như "Hiếp dâm", gây rối trật tư công cộng...
Trong quá trình HĐXX đang tiến hành kiểm tra đối với bị cáo thì bị hại là chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, tiểu thương chợ Long Biên) bất ngờ bật khóc lớn.
Sau đó, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu chị Nga ra ngoài để đảm bảo trật tự phiên tòa.
Lúc đó, bị hại Nghiêm Thúy Nga rời khỏi phòng xử án với dáng vẻ sợ hãi. Khi ra ngoài, chị Nga ôm mặc khóc nước nở và cho biết mình rất sợ Hưng “kính”.
Người thân an ủi chị Nga.
Khi thấy chị Nga khóc, hoảng sợ, nhiều người thân của bị hại vội chạy lại an ủi thì chị Nga cho hay: "Em sợ lắm mọi người ơi... nhìn mặt hắn (Hưng "kính" – PV) là em sợ".
Được người thân an ủi, chị Nga đã bình tĩnh và quay vào trong phòng xét xử.
Bị hại từng 2 lần định tự tử
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Mạnh Long khai có nhiệm vụ chuyên thu, nhận tiền bốc dỡ, căn cứ quy định của BQL chợ thu 40k/1 tấn và không hề chèn ép, gây khó khăn cho hộ chị Nga.
Tương tự, Nguyễn Hữu Tiến cho biết việc thu tiền thực hiện theo quy định thỏa thuận giữa hộ kinh doanh với ban quản lý chợ.
Đáp lại, bị hại Nghiêm Thúy Nga cho rằng các bị cáo khai hoàn toàn không đúng: "Bị cáo Long đòi tiền bốc xếp, tôi nói có thuê các anh bốc xếp đâu mà thu tiền bốc xếp".
Anh Hà, chồng chị Nga cũng cho biết hộ mình có 20 nhân viên bốc xếp nên không phải thuê tổ bốc xếp của chợ.
Tuy nhiên, vợ chồng anh chị phải nộp tiền cho nhóm Hưng "kính" bởi nguyên nhân: "Có đối tượng nghiện hút nặng, nhảy lên xe của tôi uy hiếp vợ chồng tôi, nhân viên của chúng tôi.
Sợ nên chúng tôi phải nộp... Có 1 vài đối tượng mặc quần áo nhân viên bốc xếp nhảy lên xe uy hiếp tinh thần tôi, đứng trước bàn dân thiên hạ nhổ toẹt vào mặt tôi, sỉ vả tôi, tôi phải quay vào trong khóc".
Chị Nghiêm Thúy Nga cũng khẳng định, do bị uy hiếp nặng nề nên không dám ra chợ và từng 2 lần có ý định tự tử.
"Hoa quả tươi, thời hạn rất ngắn nhưng các bị cáo gây khó khăn, không đưa, thiệt hại kinh tế rất lớn…
Trên đường đi Thanh Hóa nhận được điện báo có xe hàng về nhưng không biết đỗ vào đâu nên tôi rất hoảng loạn vì thời gian đấy tôi biết tôi đang bị lệnh trừng phạt của Hưng "kính". Tôi định mở cửa xe ô tô nhảy xuống đường cao tốc, may chồng tôi phát hiện nên ngăn cản", chị Nga kể tại tòa.
Cũng theo vợ chồng bị hại, nhóm Hưng "kính" thường xuyên sỉ nhục họ một cách thô bỉ. Một thời gian dài tôi không dám ra chợ vì các bị cáo để các bao rất kín, tôi không biết trong bao có gì…
"Tôi xác định khi viết đơn tố cáo, có thể tính mang bị uy hiểm. Tôi buộc phải thu thập bằng chứng, cho các bị cáo ký hóa đơn nhưng những lần ký chỉ là số tiền nhỏ. Từ năm 2010, số tiền chúng tôi phải nộp rất lớn nhưng không có hóa đơn".
Hưng "kính" và các đồng phạm trong phiên tòa.
Do bị đau chân nên Hưng "kính" được ngồi trả lời câu hỏi của HĐXX trong phần kiểm tra.
Trước đó, theo cáo trạng, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (SN 1972, cùng trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Trong quá trình kinh doanh tại chợ, vợ chồng chị Nga bị các đối tượng trên đe dọa, chèn ép nhằm buộc phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.
Vợ chồng chị Nga sau đó có đơn tố cáo lên công an. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an tiến hành khởi tố lần lượt các đối tượng và xác định Hưng "kính" là đối tượng cầm đầu.