Nhiều năm qua, nạn khai thác cát trộm trên sông Đồng Nai khiến nhà quản lý đau đầu. Vì lợi nhuận, các đối tượng thực hiện mọi thủ đoạn để khai thác cát trái phép.
Khu vực đoạn qua xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đang sạt lở nghiêm trọng
Sạt lở nặng hai bên bờ
Huyện Vĩnh Cửu là địa bàn xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất. Trong lúc đi thuyền thực tế ở đoạn sông chảy qua xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi thấy dọc hai bên bờ sông qua xã Bình Lợi có ít nhất năm bãi cát đang hoạt động, nhiều khu vực bờ sông biến thành bờ vực dựng đứng, đất đai hoa màu của người dân trên bờ bị kéo tuột xuống sông.
Vườn tược nhiều nơi bị lở sâu hàng chục mét. Có nơi nhà dân bị xô đổ xuống sông, còn lại những bức tường loang lổ. Nhiều gia đình phải bỏ nhà dọn đi nơi khác chỉ còn lại nửa căn nhà hoang, có đoạn dài khoảng 1km.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Lợi vẫn đang lo sợ trước tình hình “cát tặc” lộng hành mà không có sự mạnh tay xử lý của chính quyền các cấp. Ông Nguyễn Văn Năm(56 tuổi) cho biết: “Hiện nay, khoảng 2h sáng là tàu hút lại bơm ầm ầm, có nhiều đêm ngủ “rêm nhà rêm cửa” nhưng chẳng biết phải làm sao”. Ông cho biết, khi có lực lượng chức năng thì “cát tặc” ẩn nấp, khi không có ai thì chúng ngang nhiên hút.
Tương tự, nhà ông Võ Chính (57 tuổi) cũng đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở mảnh vườn phía sau. Chỉ vào mảnh đất đang từng ngày bị “Hà bá” nuốt chửng, ông Chính lắc đầu ngao ngán nói: “Hồi xưa vườn tôi trồng cây ngoài xa kia, nay từng ngày sạt lở, không biết mấy năm nữa cái nhà này còn giữ được không. “Cát tặc” phá quá, chúng tôi bó tay rồi”.
Không chỉ riêng huyện Vĩnh Cửu, vào giữa năm 2018, nhiều tiểu thương ở xã Tân Hạnh (TP Biên Hòa) được một phen hú vía một đoạn bờ kè dài hàng chục mét ngay chợ vừa được xây dựng không lâu bị cuốn trôi xuống sông. Không lâu sau đó, chính quyền đã tổ chức làm kè ngăn không cho sạt lở thêm nhưng đến thời điểm hiện tại, đổ đá được một đoạn thì công trình bị ngưng vì… không có tiền làm tiếp.
Các đoạn sông qua phường Bửu Hòa, nhiều người dân “khóc dở, mếu dở” vì nhà cửa, hoa màu bị đẩy xuống sông. Trên Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa), nhiều vùng đất xưa là bãi bồi, giờ đã ra… chính giữa dòng. Chính quyền xã Hiệp Hòa cho biết, nếu so sánh với bản đồ địa chính năm 1993, thì hiện nay nhiều điểm trên cù lao đã bị con sông ăn sâu vào từ 20 – 30m.
Vì sao khó xử lý?
Cơ quan chức năng giải quyết ra sao? Thượng tá Nguyễn Văn Tầm, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, trong năm 2018, Công an huyện đã lập ba tổ với ba chiếc ca nô thường xuyên tuần tra, kiểm soát đoạn sông qua huyện Vĩnh Cửu 24/24h để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép.
Một số ghe hút cát trộm đang bị tạm giữ tại Công an TP Biên Hoà
“Lực lượng chức năng huyện Vĩnh Cửu đã thực hiện nhiều kế hoạch tuần tra, truy đuổi nên tình trạng khai thác cát trái phép đã được hạn chế. Trong năm 2018, lực lượng công an cũng phát hiện, xử lý vi phạm một cá nhân có hành vi mua bán cát không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời kiểm tra khi phát hiện sự việc và lập biên bản xử lý nhanh nhằm răn đe, ngăn chặn kịp thời các vụ khai thác cát trái phép”,Thượng tá Tầm cho biết.
Đầu tháng 12/2018 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thanh Phú (35 tuổi, quê tỉnh Long An) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Trong năm 2018, Đội Cảnh sát kinh tế - Môi trường Công an TP Biên Hòa đã liên tục tuần tra, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua TP Biên Hòa. Mới nhất vào ngày 23/12, Công an TP Biên Hòa đã bắt bảy đối tượng điều khiển hai ghe công suất lớn đang bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua phường Bửu Long).
Nam hút trộm cát trên sông Đồng Nai ngày càng tinh vi hơn khi ngày 16/12 vừa qua, lợi dụng lúc mọi người đang mừng chiến thắng Đội tuyển bóng đá Việt Nam giành cúp vô địch AFF Cup 2018, thì nhóm đối tượng bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua phường Bửu Long). Lực lượng công an kịp thời khống chế hai đối tượng, tạm giữ chiếc ghe BKS LA-04371 tham gia bơm hút cát.
Số vụ khai thác, mua bán, vận chuyển cát trái phép thường xảy ra tại bốn địa phương có sông Đồng Nai chảy qua là Nhơn Trạch, Biên Hòa, Tân Phú và Vĩnh Cửu. Huyện Nhơn Trạch là địa bàn “nóng” nhất, trong năm 2018, Công an huyện Nhơn Trạch đã bố trí tổ trinh sát phối hợp với các phòng, ban liên quan liên tục tuần tra, kiểm tra dọc tuyến sông Đồng Nai, phát hiện, xử lý tổng cộng 45 vụ khai thác cát trái phép.
Một lãnh đạo Đội cảnh sát kinh tế Công an TP Biên Hòa cho biết, nhiều năm nay tình trạng hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua TP Biên Hòa diễn ra rất phức tạp.
Đội Cảnh sát kinh tế thường xuyên tuần tra kiểm soát, bắt giữ nhiều phương tiện cùng các đối tượng bơm hút cát trái phép, nhưng do luật quy định còn sơ hở nên lực lượng chức năng chỉ xử phạt được hành vi vi phạm hành chính, sau đó đành phải thả người và phương tiện.
Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự mới, trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về tội khai thác cát trái phép, lần sau tiếp tục bị bắt giữ về hành vi trên thì mới có thể bị xử lý hình sự. Mặt khác, theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP, trường hợp khai thác trái phép trên 50 m3 cát thì mới tịch thu phương tiện.
“Lợi dụng kẽ hở này các đối tượng đã lách bằng cách hút dưới số lượng cát nói trên. Còn muốn khởi tố hình sự, luật quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng; nhưng sông thì bao la, nhiều yếu tố tác động đến. Để chứng minh gây hậu quả nghiêm trọng như làm sạt lở đất chẳng hạn thì rất khó”, vị cán bộ này phân tích.
Sông Đồng Nai đang ngày đêm bị “móc ruột”, tài nguyên quốc gia bị thất thoát, môi trường tự nhiên ảnh hưởng, đất đai, tài sản của Nhà nước và người dân đang dần bị nhấn chìm xuống sông. Hi vọng trong thời gian sắp tới, chính quyền sẽ có chế tài xử lý mạnh tay những đối tượng khai thác cát trái phép.
» Quảng Ngãi: Núi cao đe dọa “vùi lấp” trường học, trụ sở UBND xã
» Ám ảnh kinh hoàng và nỗ lực hồi sinh từ tay trắng ở vùng rốn lũ