Đó là gia đình vợ chồng anh Ngô Văn Bình (37 tuổi) và chị Phạm Thị Hương (34 tuổi), ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Đôi vợ chồng khiếm khuyết
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở thôn 3, xã Quảng Thạch, anh Ngô Văn Bình lớn lên chỉ cao 1m40 và nặng 34 kg. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Bình không được học hành đàng hoàng, cơ thể lại còi cọc nên lớn lên anh chẳng thể đỡ đần gì nhiều cho gia đình mình.
Còn chị Phạm Thị Hương bị khiếm thị từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn nên chị học hết lớp 5 thì phải nghỉ ở nhà.
Theo lời chị Hương, ngày trước ở trong làng, gia đình chị và gia đình anh Bình thuộc diện khó khăn nhất làng. Cả hai đều bị khiếm khuyết, họ đã tìm đến nhau, yêu nhau 6-7 năm rồi kết hôn.
“Vợ chồng tôi đều là những người khiếm khuyết, hoàn cảnh gia đình lại thiếu thốn nên chúng tôi luôn có sự đồng cảm, rồi thương nhau và về chung sống cùng nhau”, chị Hương tâm sự.
Hai vợ chồng anh Bình về ở với nhau trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, nhưng họ vẫn sống với nhau hạnh phúc và sinh được 3 đứa con gái.
Nhà chỉ có 12 thước ruộng, mỗi năm gia đình anh chị chỉ đủ ăn hơn 1 tháng, còn lại thì phải đi đong gạo.
Để có tiền nuôi các con, anh Bình đi phát rẫy thuê với số tiền công 150 nghìn đồng/ngày. Nhưng bây giờ anh đau ốm phải đi viện triền miên nên không đi làm thường xuyên được.
Nhiều khi, các con của vợ chồng anh Bình phải ăn khoai trừ bữa (Ảnh: Thủy Phan) |
Chị Hương cũng muốn đi làm để có tiền nuôi các con, nhưng vì mắt kém nên không ai thuê chị. Chị đành ở nhà làm vườn và chăm lo cho con cái, mẹ già và chăm chồng lúc đau ốm.
Hiện tại, vợ chồng anh chị sống cùng bố mẹ đẻ chị Hương và 2 đứa con gái trong căn nhà dột nát, tự làm từ năm 1993. Cứ trời mưa là phải che đậy nhưng mưa vẫn dột khắp nhà.
Người mẹ già của chị Hương bây giờ cũng đã bị mù hoàn toàn, 2 đứa con nhỏ thì đang tuổi đi học. Vì vậy, anh chị đành phải vay nợ để có tiền nuôi con. Hiện gia đình chị đang vay nợ tổng cộng hơn 30 triệu đồng.
Những đứa trẻ đáng thương
Trong 3 đứa con của anh chị, đứa con gái thứ 2 là Ngô Thị Huệ (11 tuổi) sinh ra mang trong mình khiếm khuyết của cả cha lẫn mẹ.
Huệ bị khiếm thị, thấp - còi - lùn độ 2. Vì vậy, khi học xong lớp 1, gia đình anh Bình đành phải gửi Huệ vào một Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khiếm khuyết ở thành phố Hồ Chí Minh.
Còn ở nhà, hàng ngày, hai chị em Ngô Thị Thu Huyền (đang học lớp 7) và Ngô Thị Minh Thư (học lớp 1) chở nhau đi học bằng xe đạp. Vì đường xa nên những ngày trời mưa, chị Hương phải ra đường xin nhờ xe cho con đến trường.
Cả nhà có mỗi chiếc xe đạp, nếu con lấy xe đi học thì bố mẹ lại không biết lấy gì đi làm.
Căn nhà dột nát mà gia đình họ đang sống (Ảnh: Thủy Phan) |
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chị Hương luôn cố gắng làm lụng kiếm cái ăn để các con không bị đói. Thậm chí, có ngày các con chị còn phải ăn khoai trừ bữa, miễn sao đủ no cái bụng.
Nhưng vì không có tiền mua quần áo mới cho con, chị đành phải xin quần áo cũ về cho các con mặc đi học.
“Trong nhà toàn những người bị khiếm khuyết, hoàn cảnh lại khó khăn, nhiều khi bị hàng xóm nói này nói nọ làm tôi thấy tủi thân lắm.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ, có khi mình còn may mắn hơn nhiều người khác, vì mình còn có chân tay để làm việc, còn có con cái làm niềm vui. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để nuôi các con tôi khôn lớn”, chị Hương nói.
Ông Phạm Xuân Cảnh (64 tuổi), bố đẻ chị Hương chua xót nói: “Cả hai vợ chồng chúng nó đều là những đứa con đáng thương. Hai đứa phải chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ, thương nhau mà về ở với nhau, giờ cuộc sống lại quá vất vả.
Bây giờ tôi chỉ mong sao sau này những đứa cháu của tôi không phải sống khổ sở như bố mẹ nó. Được như vậy là tôi mãn nguyện rồi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Thủy, Trưởng thôn 3, (xã Quảng Thạch) cho biết: “Gia đình vợ chồng anh Bình thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình họ rất đáng thương, cả bố, mẹ và con đều mang trong mình những khiếm khuyết nên rất thiệt thòi”.
Trong căn nhà tuềnh toàng của mình, vợ chồng anh Bình ngày đêm chỉ mơ ước làm sao có được căn nhà kiên cố để ở, làm sao để có đủ cơm gạo nuôi các con ăn học nên người.