Thứ bảy, 22/05/2021 - Mã số 4113: Người đàn ông từ cõi chết trở về, khẩn cầu thêm một lần được sống Thứ bảy, 22/05/2021 - Mã số 4113: Người đàn ông từ cõi chết trở về, khẩn cầu thêm một lần được sống , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
11 năm trước, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trong một lần đi khám bệnh miễn phí vô tình gặp và cứu sống anh. Ơn nghĩa chưa kịp trả thì người đàn ông nghèo khó, tội nghiệp ấy lại bị bệnh tim quật ngã.
Trên giường bệnh của khoa Cấp cứu, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Phạm Văn Sỹ, (đội 7, thôn Xuân Lai, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), gương mặt nhợt nhạt, ủ rũ. Hai tay ôm ngực, nói vài câu rồi dừng lại thở dốc.
Anh Sỹ vốn là người đàn ông trụ cột gia đình, hơn mười năm trước anh Sỹ phát hiện bị mắc bệnh tim. Từ đó, sức khỏe kiệt quệ, anh trở thành gánh nặng cho vợ con. Nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện, nên vài lần anh đã phải đối diện với tử thần.
May mắn năm 2010 có đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai về địa phương khám bệnh từ thiện, trước tình cảnh nguy cấp của người đàn ông nghèo khó này, họ vội đưa anh nhập viện.
Một cái máy phá rung tự động được cấy trong lồng ngực, giúp anh Sỹ ở lại trên đời. Nhưng sau 11 năm, giờ chiếc máy đó đã hết pin, tính mạng anh Sỹ lại rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
Nhớ lại ngày đó, anh Sỹ vẫn luôn xem trọng đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai năm ấy là ân nhân cứu mạng, anh kể, năm 2010, anh bị ngất đúng hôm có đoàn bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khám từ thiện về xã. Sau đó, các bác sĩ đưa anh lên Hà Nội điều trị. Tiền phẫu thuật và máy cấy trong ngực anh, bệnh viện lúc đó phải chạy khắp mọi nơi xin các nhà hảo tâm trợ giúp.
Kể đến đây, giọng anh như bị bóp nghẹt lại, anh cố gắng bảo: "Tính mạng này của tôi là của những nhà hảo tâm và bác sĩ ban tặng…".
Dừng lại một lát để lấy sức, anh Sỹ kể tiếp, đầu tháng 5 vừa qua, anh đột nhiên không thở được rồi ngã ra ngất xỉu giống như 11 năm trước. Gia đình vội đưa anh lên bệnh viện huyện, rồi bệnh viện huyện chuyển lên tỉnh, cuối cùng anh được chuyển thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết, tình trạng của anh rất nặng, phải phẫu thuật gấp cấy máy mới. Nhưng nhà anh quá nghèo, đến lo cái ăn hàng ngày còn chật vật, thì tìm đâu ra mấy trăm triệu đồng lúc này.
Đưa chồng nhập viện, những ngày qua chị Phạm Thị Hấn, lòng như lửa đốt bên ngoài hành lang bệnh viện. Khổ nhất đúng đợt dịch bệnh, bệnh viện hạn chế người ra vào, nhiều hôm chị vạ vật, mồ hôi vã ra giữa cái nắng hè.
Chị Hấn sụt sùi tâm sự, từ hôm anh nhà nhập viện đến giờ, chị không dám chợp mắt. Vì chị sợ, lỡ mà thiếp đi rồi, khi tỉnh dậy chị không còn được thấy chồng nữa.
Đưa tay gạt nước mắt, người vợ nghèo khó nghẹn ngào kể, theo xe cứu thương đưa chồng đi cấp cứu, vét túi cả 2 bên họ hàng cũng chỉ lo được 6 triệu đồng và đã đóng cả vào viện phí.
Trong người chẳng còn một xu dính túi, gần một tháng nay, chị cầm cự được ở bệnh viện Bạch Mai là nhờ những suất cơm từ thiện.
Đôi mắt chị ầng ậng nước, chị nói chắc nịch: Khó khăn mấy chị cũng chịu được, chỉ mong sao chồng được khỏe mạnh.
Chị Hấn tâm sự, gia đình chị vốn nghèo kiết ở địa phương, 10 năm trước, con gái lớn của anh đổ bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu và mắc hội chứng thận hư, hiện đang điều trị ngoại trú ở bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Chị bị mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, kèm theo huyết áp cao, nên chị phải uống thuốc hàng ngày.
Nhiều năm nay 3 con người ốm yếu, bệnh tật trông cả vào tiền làm thuê chừng 5 triệu/tháng của người con trai út, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Bệnh tình của anh Sỹ bất ngờ trở nặng, tính mạng của người cha này hiện đang mong manh như "ngọn đèn trước gió" vì không có tiền làm phẫu thuật.
"Nếu không được phẫu thuật cấy máy chồng em chết mất. Nhưng bây giờ em biết chạy vạy ở đâu lấy 300 triệu đồng. Các bác, các cô ơi cứu chồng em với..", nói rồi chị Hấn chắp 2 tay như cầu khẩn, 2 hàng nước mắt lại lăn dài trên má.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Bùi Văn Thường, Viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai, ái ngại cho biết: "Thật sự đây là một ca bệnh rất nặng, nặng về mặt chuyên môn, và cả nặng gánh cho gia đình nữa, bởi họ nghèo quá. Nhưng, nếu không thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân khó mà qua khỏi ".
Bác sĩ Thường cho biết thêm, anh Sỹ bị mắc hội chứng Brugada có ngất, đây là một hội chứng rất nguy hiểm, gây ra nhịp tim rối loạn bất thường, choáng ngất và ngừng tim đột ngột, mất đột xuất bất ngờ của chức năng tim, hơi thở và ý thức, dẫn tới đột tử.
Năm 2010, anh Sỹ đã được phẫu thuật cấy máy phá rung tự động, máy sẽ sốc điện tự động khi có loạn nhịp xảy ra và ngăn chặn đột tử. Sau 11 năm hoạt động chiếc máy hiện giờ đã hết pin. Phương pháp duy nhất hiện tại là cấy lại máy phá rung tự động mới, với chi phí vào khoảng 300 triệu đồng.
Bác sĩ Thường khẳng định: Chỉ cần phẫu thuật cấy máy xong, bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục và trở về lao động bình thường.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 4113: Chị Phạm Thị Hấn
Địa chỉ: Đội 7, thôn Xuân Lai, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng
ĐT: 0383869204 (chị Hấn)
Hiện anh Sỹ đang điều trị tại Viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai.