Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 28/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Gìn giữ các đạo sắc phong - ''Báu vật'' linh thiêng của làng quê xứ Huế Gìn giữ các đạo sắc phong - ''Báu vật'' linh thiêng của làng quê xứ Huế , Người xứ Nghệ Kiev
 

09/04/2021

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã giúp đỡ nhiều ngôi làng trên địa bàn tỉnh trong việc phục hồi, tư vấn bảo quản, số hóa nhằm lưu giữ nguồn di sản tư liệu Hán Nôm quý trong dân gian.

 Các sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na (phường Hương An, thị xã Hương Trà) được phục chế trên giấy dó. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Nhiều ngôi làng cổ của tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đang lưu giữ được một kho tàng đồ sộ các đạo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn phong tặng.

Đây được xem như "báu vật" linh thiêng của cả cộng đồng, được gìn giữ bảo vệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, trước tình trạng ăn trộm cổ vật tại nhiều nơi thờ tự, trong đó có các đạo sắc phong, cùng với việc bảo quản không khoa học trước những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết đã khiến cho nhiều đạo sắc phong bị rách nát, hư hỏng nặng hoặc biến mất.

Trước thực trạng này, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã giúp đỡ nhiều ngôi làng trên địa bàn tỉnh trong việc phục hồi, tư vấn bảo quản, số hóa nhằm lưu giữ nguồn di sản tư liệu Hán Nôm quý trong dân gian.

Gian nan trong bảo quản sắc phong

Cổ Bưu là một ngôi làng cổ nằm ven Kinh thành Huế, nay thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Ngôi làng có nhiều công trình di tích lịch sử được các triều vua nhà Nguyễn ban tặng sắc phong, trong đó phải kể đến ngôi điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Ông Phan Tuấn, 62 tuổi, người trông coi ngôi điện nhiều năm, cho biết ngôi điện thờ hiện đang lưu giữ 6 đạo sắc phong, trong đó sắc phong cổ nhất là thời vua Thiệu Trị ban cho điện thờ vào năm 1845.

Trước đây các sắc phong thường được cho vào ống tre, nứa treo lên ở khu vực hậu cung của ngôi điện.

Tuy nhiên, do biến đổi của lịch sử, các sắc phong được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau, có khi được mang về cất tại nhà của những vị trông nom điện thờ nhằm đề phòng khỏi bị kẻ gian trộm cắp, làm thất lạc.

Trải qua thời gian, hiện các sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na đều bị hư hại ở mức độ khác nhau, có những sắc phong bị hư hại đến 70%.

Năm 2019, trong quá trình đi thực địa sưu tầm và số hóa văn bản Hán Nôm, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hỗ trợ phục chế các bản sắc phong bị hư hại tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, cũng như sao in các bản sắc phong để treo trên tường, phục vụ người dân và du khách đến chiêm bái có cơ hội tìm hiểu.

Sáu bản sắc phong gốc tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na sau khi phục chế xong hiện đang được bảo quản một cách khoa học nhằm hạn chế hư hại theo thời gian.

Không được may mắn như các sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, hàng chục sắc phong tại đình làng Cổ Bưu đã bị hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng phục chế lại do quá trình cất giữ bảo quản thiếu khoa học.

Ông Trần Ngáo, một vị cao niên của làng Cổ Bưu, vẫn còn đau đáu nỗi xót xa trước việc nhiều sắc phong quý do nhiều triều vua ban tặng cho đình làng bị hư hỏng, mục nát cách đây vài năm.

Theo các nguồn sử liệu, đình làng Cổ Bưu đã có từ cách đây hàng trăm năm thờ Thành hoàng làng và các vị tiền hiền của các dòng họ có công khai phá, lập làng tạo dựng lên một vùng đất Cổ Bưu trù phú nổi tiếng gần xa.

Dưới thời phong kiến, đình làng Cổ Bưu đã được các vị hoàng đế nhà Nguyễn ban tặng 23 đạo sắc phong, đây là niềm vinh dự, tự hào mà hiếm có ngôi làng nào có được.

Ông Trần Ngáo nhớ lại, trải qua thời gian, các thế hệ người dân trong làng luôn giữ gìn cẩn thận các sắc phong như "báu vật" của cha ông để lại.

Tuy nhiên, chính do số lượng sắc phong lớn sợ bị mất trộm nên người dân trong làng đã bàn bạc, thống nhất phải cất giữ cận thận trong nhiều lớp bảo vệ.

Một cái hộc bằng ximăng kiên cố được xây dựng ngay trong đình làng, các sắc phong được cuộn lại cho vào túi nylon bỏ trong một chiếc hòm tôn khóa lại và được đặt trong chiếc hộc.

Theo lệ làng Cổ Bưu, ba năm mới mở hội lớn một lần và khi đó những sắc phong mới được các vị bô lão trong làng đưa ra để thực hiện nghi lễ.

Mùa lễ hội năm 2018, cả làng Cổ Bưu đi từ cảm giác bất ngờ cho đến đau xót khi chứng kiến cảnh các sắc phong của làng được đưa ra ngoài trong tình trạng đã bị vón thành cục, hư nát toàn bộ do hơi nước ẩm toát ra trong thời gian dài.

Theo ông Trần Ngáo, điều may mắn là trước đó tất cả các sắc phong tại đình làng Cổ Bưu đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chụp lại, số hóa nên có khả năng phục hồi phiên bản.

 Sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na (phường Hương An, thị xã Hương Trà) được phục chế trên giấy dó.  Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Nỗ lực gìn giữ những "báu vật" của làng

Những câu chuyện về các sắc phong bị hư hại một cách đáng tiếc không chỉ xảy ra ở làng Cổ Bưu mà còn bắt gặp ở nhiều điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chị Đoàn Thị Mỹ Hà là một trong những cán bộ của Phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) có nhiều năm gắn bó với công việc phục chế các sắc phong cổ cho các đình làng, từ đường các dòng họ.

Chị Đoàn Thị Mỹ Hà chia sẻ để phục chế thành công các sắc phong phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là mức độ hư hại của chính những sắc phong này và sự tỉ mỉ, cẩn trọng của cả một êkip làm việc.

Các sắc phong triều Nguyễn phần lớn được làm từ chất liệu giấy long đằng, vì vậy khi phục hồi phải dùng loại giấy dó với đặc tính mềm, dai, làm bằng chất liệu tự nhiên mới phù hợp.

Theo chị Hà, để phục hồi các sắc phong bị hư hại, trước hết cần thực hiện công đoạn bóc tách các mảnh rách vụn của sắc phong và tiến hành vệ sinh khử mốc.

Sau đó, một êkip từ 5-6 người sẽ tiền hành sắp xếp tỉ mỉ lại các mảnh vụn theo vị trí nguyên bản, trước khi chuyển toàn bộ sắc phong sang nền giấy dó đã được phủ một lớp bột hồ đặc biệt để kết dính với nhau.

Do tính chất công việc đòi hỏi về độ chính xác cao nên việc phục chế một sắc phong thường phải kéo dài trong nhiều ngày mới hoàn thiện.

Đa phần cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) thường phải về trực tiếp tận các điểm di tích để làm công việc này, bởi người dân không muốn các sắc phong bị di chuyển ra khỏi làng.

Gắn bó với công việc nhiều năm, chị Hà không khỏi xót xa trước nhiều sắc phong bị hư hại do sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc bảo quản.

Nhiều nơi, khi sắc phong bị rách tém, người dân mang đi ép nhựa để cho cứng lại, dễ dàng treo lên.

Tuy nhiên điều này là phản khoa học, bởi để lâu ngày hơi nước sẽ tích tụ bên trong, đẩy nhanh quá trình mục nát và khi bóc tách ra lại các sắc phong dễ dàng bị rã ra hư hại đến bản gốc.

Do vậy, quá trình bảo quản, các sắc phong nên để trong hộp gỗ có bỏ một ít hạt tiêu khô để chống ẩm, thỉnh thoảng đưa ra phơi dưới ánh nắng vừa phải, hoặc đựng trong túi hút chân không.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng trên 2.100 sắc phong. Sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao của vương triều, do các vị vua ban bố.

Sắc phong triều Nguyễn về cơ bản có hai loại gồm sắc phong nhân vật và sắc phong thần (thiên thần, nhiên thần, nhân thần).

Sắc phong nhân vật là loại hình văn bản hành chính do Hoàng đế ban phong về phẩm hàm, tước vị cho các quan lại của triều đình, thăng thưởng hàm tước, ban tặng hoặc truy tặng thụy hiệu cho ông bà, cha mẹ của những quan viên có công trạng.

Sắc phong thần là do Hoàng đế phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng, di tích. Hiện nay, loại hình sắc phong thần hiện hữu ở phần lớn các làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tiến sỹ Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) cho biết, sắc phong thần linh là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của người dân. Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm cụ thể nên nội dung sắc phong có tính chính xác gần như tuyệt đối.

Đây là nguồn tư liệu chuẩn xác nhất giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự thay đổi các địa danh và đơn vị hành chính của các làng xã. Ngoài ra, sắc phong của mỗi triều đại cũng mang những giá trị về nghệ thuật thể hiện qua họa tiết, chữ viết, ấn triện, cách hành văn…

Nhằm góp phần chung tay trong việc lưu giữ, bảo tồn những đạo sắc phong đang lưu giữ tại nhiều điểm di tích, những năm qua Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình khảo sát, sưu tầm, dịch thuật, tổng hợp hệ thống nhằm phục vụ cho công tác số hóa các sắc phong hiện còn.

Chính điều này đã giúp cho nhiều ngôi làng có cơ hội phục hồi phiên bản sắc phong trong trường hợp bị mất trộm hay hư hỏng do nhiều nguyên nhân./.

Đỗ Trưởng / TTXVN/Vietnam+

Nguồn quehuognonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/gin-giu-cac-dao-sac-phong-bau-vat-linh-thieng-cua-lang-que-xu-hue-20210409102016207.htm



  Các Tin khác
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
  + BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC BAHNAR (02/11/2022)
  + Mùa len trâu trở thành một cuộc di cư lớn của con người và hàng nghìn con trâu đi tìm sự sống (01/11/2022)
  + Lên núi cao nhất vùng Đông Bắc ở Hà Giang, bất chợt thấy rừng nguyên sinh rêu phong y như bên châu Âu (01/11/2022)
  + Tam giác mạch bung nở trên cao nguyên đá Đồng Văn (27/10/2022)
  + Quân đoàn 1: Xứng đáng với truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng” của Binh đoàn Quyết thắng anh hùng (24/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 59751435

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July