Bánh ngải có hình tròn giống bánh dày của người Kinh nhưng lại có giá trị văn hóa và tâm linh của dân tộc Tày. Ảnh: internet
|
Bánh ngải là đặc sản nổi tiếng của người dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Trước đây, khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì bánh ngải thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng lúa mới, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng của dân tộc Tày. Ngày nay, khi đời sống của các dân tộc ở các vùng núi được nâng cao hơn, người dân tộc Tày lại dùng bánh ngải như một món bánh thực phẩm hàng ngày, vừa để làm thương phẩm lại vừa làm bánh ăn trong những ngày nông nhàn.
Ngải cứu còn được gọi là thuốc cứu, ngải diệp, là cây thân thảo, có thể sinh tồn trong nhiều năm, lá mọc so le nhau, giống hình lông chim, phiến lá men theo cuống đến tận gốc, đầu lá nhọn giống răng cưa, hai mặt lá có màu khác nhau, trên xanh thẫm, dưới màu hơi xanh trắng do có một lớp lông nhung bọc phía ngoài. Lá ngải cứu có tác dụng cầm máu, trị nhức đầu, đau bụng, nôn mửa, sát trùng, kháng khuẩn... Ngải cứu vốn là một loại thuốc và cũng là thực phẩm quý. Tuy nhiên, chỉ có người Lạng Sơn mới có thể chuyển thể ngải thành một món ăn hết sức đặc biệt: Bánh ngải cứu nhân vừng.
Bánh ngải có hình tròn giống bánh dày của người Kinh nhưng lại có giá trị văn hóa và tâm linh của dân tộc Tày cũng như giá trị của bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết truyền thống của dân tộc Kinh vậy.
Nguyên liệu chính để làm nên món bánh ngải nổi tiếng gồm: lá ngải, gạo nếp, vừng và đường phên. Nguyên liệu làm bánh ngải là những thực phẩm gần gũi với đời sống của người dân tộc Tày nhưng để làm nên một món bánh ngải ngon thì phải công phu trong khâu chọn gạo, chọn đường, chọn ngải.
Bánh ngải kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn gạo tẻ. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Ngải cứu phải chọn lá non, tươi.
Lá ngải rửa sạch, cho vào nồi nấu với nước tro. Để có nước tro tốt, người Tày, Nùng chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ xơ, vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay. Sau đó cho vào cối giã nhuyễn.
Gạo làm bánh được vo và ngâm trong nước ấm khoảng 6-8 tiếng, sau đó vớt ta để ráo nước rồi cho vào chõ đồ chín thành xôi. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước (nước sôi) để khi giã bánh sẽ dẻo hơn. Khi xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng lá ngải đã giã nhuyễn từ trước, xôi phải giã ngay lúc còn nóng thì bánh mới mền, mịn và dẻo.
Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với đường phên đã được làm chảy trên bếp nóng và để đặc lại.
Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Những chiếc bánh nóng hổi được phết một lớp sáp (sáp ong) để giữ độ bóng, dẻo, thơm và để chúng không dính vào nhau.
Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới. Còn những ngày bình thường bánh ngải được bán tại các phiên chợ quê với giá khoảng 2000 đồng/cái.
Bánh ngải là một loại bánh truyền thống của người dân tộc Tày, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì lẽ đó mà nó trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của người Tày. Người con gái Tày không ai là không biết làm bánh ngải. Người Tày quan niệm rằng, con gái không biết làm bánh ngải thì không được coi là con gái Tày.
Nếu ai đó có dịp đặt chân tới xứ Lạng, hãy một lần thử món bánh ngải thơm, ngon khó quên này. Bánh ngải là đặc sản của Lạng Sơn nhưng cũng là một phần quan trọng trong nền văn hóa của người dân tộc Tày vì đây là món ăn truyền thống của người Tày đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ.
(Theo thegioidisan.vn)
Nguôn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/len-lang-son-thuong-thuc-banh-ngai-nguoi-tay-20181204105935858.htm