Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > >
  GS-TS Võ Văn Tới: Cần hành động cụ thể để xoay dòng chảy máu chất xám GS-TS Võ Văn Tới: Cần hành động cụ thể để xoay dòng chảy máu chất xám , Người xứ Nghệ Kiev
 

13/10/2016

Với vai trò là cầu nối cho ngành Kỹ thuật Y sinh (KTYS) Việt Nam với thế giới, Giáo sư Võ Văn Tới - Trưởng bộ môn KTYS, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) - cho rằng: “Xoay dòng chảy máu chất xám ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung muốn thu hút nhân tài không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn hay bắt buộc, hoặc trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác, mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể, tích cực từ phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hồ Chí Minh”.

GS-TS Võ Văn Tới cùng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng Bí thư vào tháng 7/2015

 

 

PV: Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Kỹ thuật Y sinh (KTYS) vốn còn khá mới mẻ ở nước ta, ông có thể giải thích rõ hơn cho bạn đọc về khái niệm và tầm quan trọng của KTYS?

GS-TS Võ Văn Tới: KTYS tiếng Anh là Biomedical Engineering là một ngành kỹ thuật phối hợp những kiến thức chuyên sâu về khoa học cơ bản như toán - lý - hóa, khoa học ứng dụng với công nghệ tiên tiến để giúp giải quyết các vấn đề trong y học và sinh học. Do đó, đây là một hoạt động liên ngành đa lĩnh vực, một xu hướng mới trong các trường đại học ở các nước tiên tiến.

Giảng dạy cho sinh viên là niềm vui mỗi ngày của GS-TS Võ Văn Tới

 

Ngành này áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phát triển các phương pháp nghiên cứu và chế tạo trang thiết bị nhằm phục vụ an sinh cho con người và cũng để tìm hiểu các quá trình sinh học của con người.

Lấy ví dụ nhờ đo được điện tim, điện não mà chúng ta có thể hiểu được hoạt động của não và tim, và tìm được cách chữa và ngăn ngừa những bệnh có liên quan. KTYS rất đa dạng, bao gồm nhiều phân ngành như: thiết bị y tế, điện tử y sinh, tin y sinh, cơ khí y sinh, vật lý y sinh, kỹ thuật dược, y học tái tạo, công nghệ sinh học...

Ngành KTYS đòi hỏi sự phán đoán, óc tư duy của người làm nghiên cứu, bên cạnh đó yêu cầu người làm nghiên cứu am hiểu khoa học kỹ thuật cũng như y học và vận dụng các kiến thức này trong quá trình tìm tòi, xây dựng, khám phá, phát minh.

KTYS là một lĩnh vực nổi bật và phát triển không ngừng mà các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi. Đứng đầu trong ngành này là Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Úc… Các vùng lãnh thổ và quốc gia trong khu vực như Đài Loan, Malaysia, Singapore cũng đang nỗ lực không ngừng và đạt được những bước tiến đáng kể. Các nghiên cứu khoa học cũng như công nghệ kỹ thuật có liên quan đến KTYS góp phần quan trọng không những vào tri thức nhân loại mà còn vào sự phát triển kinh tế của chính các quốc gia đó. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, độ tăng trưởng của KTYS vẫn trên 6%, trong khi nhiều lĩnh vực khác có độ tăng trưởng âm.

 

 

PV: Trở về Việt Nam và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã được một thời gian dài, ông đánh giá thế nào về sự phát triển và tiềm năng của KTYS tại TP Hồ Chí Minh hiện nay?

"Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc cứ mãi kế thừa và học tập, người Việt mình cần phải tự giác tìm hiểu nhiều vấn đề và nhu cầu thực tế ở quê hương, sử dụng những chất liệu có trong nước, từ đó bắt tay vào việc nghiên cứu và phát triển những đề tài đặc thù. Có như thế, chúng ta mới khẳng định được vị thế của mình trong việc hội nhập" - GS-TS Võ Văn Tới

GS-TS Võ Văn Tới: Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay có nhu cầu rất lớn và cấp bách về việc phát triển KTYS, đặc biệt là việc chế tạo thiết bị y tế cũng như nhân sự có hiểu biết về kỹ thuật trong y tế.

Thực vậy, tỉ lệ già hóa dân số tại Việt Nam đang ngày một tăng, ngoài ra tỷ lệ gia tăng các bệnh tiểu đường, tim mạch và phổi cao nhất nhì thế giới. Điều đó có nghĩa là những người trẻ sẽ mang lên người gánh nặng gia đình lớn gấp nhiều lần hiện nay và hệ thống y tế sẽ phải đương đầu với với số lượng bệnh nhân tăng vọt.

Ngoài ra, theo nghiên cứu năm 2014 của nhóm Espicom Healthcare Intelligence thì thị trường thiết bị y tế của Việt Nam năm 2013 là 710 triệu USD và ước lượng đến năm 2018 là 1,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm. Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu hơn 90% thiết bị y tế sử dụng.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành KTYS tại TP Hồ Chí Minh và cả nước nói chung là cần phải được phát triển cả về yếu tố nghiên cứu chuyên sâu lẫn công nghệ - kỹ thuật. Một ngành nghiên cứu khoa học chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu có một hệ thống công nghệ - kỹ thuật tiên tiến tương ứng với nó. Ngược lại, để có một hệ thống công nghệ - kỹ thuật phát triển bền vững thì cần có sự hỗ trợ tích cực của nghiên cứu khoa học chuyên sâu từ hàn lâm.

 

 

PV: Theo ông, những hạn chế, khó khăn nào hiện đang ảnh hưởng đến việc phát triển KTYS tại TP Hồ Chí Minh hiện nay?

GS-TS Võ Văn Tới: Một trong những giới hạn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Mặc dù rất nhiều bệnh viện trong nước đã đầu tư những khoản tiền lớn để mua các máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài, tuy nhiên nhân sự tại bệnh viện lại không thể khai thác hết các chức năng của thiết bị, dẫn đến tình trạng lãng phí trang thiết bị.

KTYS là một ngành đang phát triển mạnh mẽ, do đó, nhiều quốc gia phát triển có những chế độ đặc biệt để thu hút và giữ chân nhân tài. Chúng ta khó cạnh tranh được với họ về những điều kiện thu hút nhân tài. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải quan tâm hơn đến việc đào tạo được đội ngũ kỹ sư, những người có tri thức, hiểu biết, có khả năng trong lĩnh vực KTYS.

Người Việt Nam rất giỏi kế thừa và học tập theo thành tựu của các quốc gia phát triển, tuy nhiên chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc cứ mãi kế thừa và học tập, người Việt mình cần phải tự giác tìm hiểu nhiều vấn đề và nhu cầu thực tế ở quê hương, sử dụng những chất liệu có trong nước, từ đó bắt tay vào việc nghiên cứu và phát triển những đề tài đặc thù. Có như thế, chúng ta mới khẳng định được vị thế của mình trong việc hội nhập.

Theo Quyết định 5715/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày 21/11/ 2014, các chuyên gia khoa học công nghệ trong nước và NVNONN, khi vào làm việc tại 4 đơn vị gồm: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, ngoài các chế độ ưu đãi về nhà ở, đi lại, thuế thu nhập… sẽ được hưởng mức lương theo thỏa thuận với đơn vị, có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng. Điều này chứng tỏ lãnh đạo thành phố rất quyết tâm và có những chính sách đột phá trong việc thu hút nhân tài. Chính sách này nên được áp dụng rộng rãi hơn và thực tế hơn để mang đến những kết quả thực tiễn hơn.

 

 

PV: Được biết, những năm gần đây, ông đã và đang triển khai dự án mang tên “Đường về Tổ quốc” với mục tiêu thu hút nguồn lực trí thức VNONN quay trở về đóng góp cho quê hương. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về Dự án này?

"Nhiều kiều bào ở nước ngoài, dù không trở về Việt Nam sinh sống nhưng họ vẫn có những đóng góp rất thiết thực cho quê hương. Ngoài ra, nhiều trí thức kiều bào có ý định trở về nhưng không biết làm thế nào và không được kết nối. Đây là những người có trình độ, có tâm huyết. Chúng ta phải trao đổi với họ để hiểu rõ ước muốn và tìm cách đáp ứng yêu cầu của họ. Chúng ta phải làm cách nào tạo được tất cả những điều kiện có thể để giúp họ thực hiện thành công ý tưởng của họ. Có thể họ không cần một đãi ngộ đặc biệt nào, nhưng bổn phận của chúng ta là phải thực hiện những đãi ngộ tốt nhất có thể"- GS-TS Võ Văn Tới

GS-TS Võ Văn Tới: Trong những dịp trao đổi với du học sinh, trí thức VNONN và các nhà làm giáo dục Việt Nam, tôi thấy có sự lệch pha giữa họ về việc ở lại nơi học hay trở về đất nước. Do đó, trong thời gian giữ chức Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) - một tổ chức phi lợi nhuận của chính phủ Hoa Kỳ giúp gắn kết quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bằng cách đưa sinh viên Việt Nam sang học ở các chương trình sau đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ về khoa học kỹ thuật -  tôi đã thực hiện ý tưởng "Đường về Tổ quốc" bằng cách tạo một diễn đàn cho học sinh, trí thức VNONN trình bày những dự định và ước muốn của họ, cũng như cho các nhà quản lý giáo dục trong nước trình bày những nhu cầu và khả năng đáp ứng của họ, giúp đôi bên thông hiểu nhau và tìm tiếng nói chung để du học sinh có thể tìm được nơi trở về thi thố tài năng của mình.

Có thể nói, “Đường về Tổ quốc” là chương trình được coi như bản đồ chỉ hướng quay về cho các nghiên cứu sinh để họ cống hiến kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình cho quê hương.

Tôi nhận thấy các nghiên cứu sinh luôn nghĩ tới phương cách phục vụ đất nước một cách hữu hiệu nhất. Họ luôn trăn trở với trọng trách: "Làm gì để có thể đóng góp cho sự phát triển của quê hương". Dù cũng có những băn khoăn so sánh về điều kiện làm việc cũng như mức lương khi trở về, nhưng qua diễn đàn, mọi người đã nhận ra được sự cởi mở hơn của môi trường làm việc cũng như những cơ hội đang chờ đón họ tại Việt Nam.

 

 

PV: Ông từng nhắc đến khái niệm “Xoay dòng chảy máu chất xám”, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? Và theo ông, TP Hồ Chí Minh cần làm gì để “Xoay dòng chảy máu chất xám”?

GS-TS Võ Văn Tới: Chúng ta đều biết "chảy máu chất xám" là một vấn đề chung của nhiều quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Các đại học hay chính phủ quốc gia khác thu hút sinh viên giỏi Việt Nam với các suất học bổng tốt, các đại học Việt Nam thiết lập những chương trình đôi hay liên kết giúp sinh viên được đi du học rẻ hơn và dễ dàng hơn. Đây là những điểm tốt. Vấn đề là chỉ có một phần nhỏ những người thành tài trở về làm việc và ở lại quê hương. Dòng “chảy máu chất xám” đã trở thành tự nhiên và thường trực.

Bởi vậy, tôi luôn nghĩ tới làm thế nào để “xoay dòng chảy máu chất xám” (Reverse brain drain), với mong muốn việc nhân tài trở về phục vụ đất nước mình cũng phải là việc đương nhiên và thường trực.

Với hoàn cảnh hiện tại của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, việc thu hút sinh viên thành tài trở về trở nên cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết và là khả thi. Chúng ta không chỉ thu hút họ trở về mà phải làm thế nào để xoay chiều dòng chảy máu chất xám. Việc thu hút không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn hay bắt buộc, hoặc trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác, mà đòi hỏi chúng ta phải có hành động cụ thể, tích cực.

Muốn thế, chúng ta phải đi tìm người có tiềm năng, tìm cách thu hút họ trở về và nhất là tạo điều kiện cho họ thành công. Cùng lúc, chúng ta phải tạo dựng môi trường làm việc và môi trường sống ngày càng hấp dẫn hơn, để Việt Nam trở thành một nam châm cho những người muốn tìm cơ hội để thử thách tài năng. Ba đối tượng cần được thu hút là kiều bào, du học sinh Việt Namngười nước ngoài.

Hiện nay, nhiều kiều bào ở nước ngoài, dù không trở về Việt Nam sinh sống nhưng họ vẫn có những đóng góp rất thiết thực cho quê hương. Ngoài ra, nhiều trí thức kiều bào có ý định trở về nhưng không biết làm thế nào và không được kết nối. Đây là những người có trình độ, có tâm huyết. Chúng ta phải trao đổi với họ để hiểu rõ ước muốn và tìm cách đáp ứng yêu cầu của họ. Chúng ta phải làm cách nào tạo được tất cả những điều kiện có thể để giúp họ thực hiện thành công ý tưởng của họ. Có thể họ không cần một đãi ngộ đặc biệt nào, nhưng bổn phận của chúng ta là phải thực hiện những đãi ngộ tốt nhất có thể. Có như thế những người khác mới tìm về.

Đây là một việc làm trường kỳ, cần có kế hoạch, có hệ thống, vững chắc, hợp lý và phải thực hiện được. Những chính sách tốt thường phải đi đôi với cách làm và người thực hiện tốt mới dẫn đến thành công. Do đó điểm mấu chốt để xoay dòng chảy máu chất xám là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ngoài quyết tâm thực sự, phải có người có khả năng thu hút nhân tài và quyết đoán, rất nhiều khi cần vượt qua rào cản hành chính để tạo một môi trường nhất quán và bền vững trong việc sử dụng chất xám. Lãnh đạo thành phố cần thực sự biết lắng nghe, nhất là dám làm dám chịu. Một khi thành phố thực sự theo đuổi đến cùng, chúng ta hoàn toàn có thể xoay dòng chảy máu chất xám được.

GS-TS Võ Văn Tới là một người Mỹ gốc Việt. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí tại nước ngoài như: Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mắt ở Sion (Thụy Sĩ), GS ngành KTYS tại ĐH Tufts và GS thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania, Mỹ. Ông đã có nhiều bằng sáng chế tại Mỹ và Thụy Sĩ liên quan đến lĩnh vực y sinh như máy nhỏ thuốc tự động, ánh sáng chớp tắt, máy đo số lượng và vận tốc của bạch huyết cầu trong mắt... Năm 2004, GS Võ Văn Tới đã được ĐH Tufts trao giải “Giáo sư giỏi nhất”.

Năm 2007, ông là Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và khởi xướng nhiều sáng kiến trong cải cách giáo dục như dự án “Đường về Tổ quốc”. Chia sẻ về lí do trở về sau hơn 40 năm xa quê hương, GS-TS Võ Văn Tới cho rằng : “Tôi là một người Việt Nam - điều đó đã thấm sâu vào tận óc, tim, máu thịt tôi rồi, điều đó cứ thúc đẩy tôi phải trở về, phải làm một điều gì đó góp phần xây dựng quê hương”.

Nhật Việt (thực hiện)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/gsts-vo-van-toi-can-hanh-dong-cu-the-de-xoay-dong-chay-mau-chat-xam-20161013162407838.htm



  Các Tin khác
  + Các nước đặt niềm tin vào Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 (05/11/2019)
  + Cơ quan đại diện ngoại giao Anh tại Việt Nam tưởng niệm 39 nạn nhân vụ container (04/11/2019)
  + Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO: Cơ hội lớn thúc đẩy sáng tạo và cống hiến (04/11/2019)
  + Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020 (02/11/2019)
  + Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn: Bộ Ngoại giao khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng (28/10/2019)
  + Hai người Việt Nam được trao tặng Huân chương cao quý của Pháp (27/10/2019)
  + Triển lãm 70 năm quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Thủ đô Vientiane, Lào (26/10/2019)
  + Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phía Trung Quốc khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam (24/10/2019)
  + Thủ tướng đến Tokyo dự Lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản (23/10/2019)
  + Đại sứ quán thăm và làm việc tại Lviv (23/09/2019)
  + Quảng bá địa phương Việt Nam tại bang Hawaii và California, Hoa Kỳ (23/09/2019)
  + Trung Quốc cần tôn trọng lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông (22/09/2019)
  + Đoàn Hội Hữu nghị Việt Nam - Ucraina thăm và làm việc với đại sứ quán (20/09/2019)
  + Mốc son 25 năm Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam (05/09/2019)
  + Việt Nam điều tàu hộ vệ săn ngầm tham gia tập trận chung ASEAN - Mỹ (03/09/2019)
  + Đại sứ Đỗ Bá Khoa: Brazil là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Nam Mỹ (02/09/2019)
  + Đại sứ Việt Nam chào Tổng thống và Ngoại trưởng Moldova nhân kỷ niệm 28 năm ngày Độc lập của Moldova (31/08/2019)
  + Đại sứ Mỹ: "Tôi tự hào khi Mỹ và Việt Nam là các đối tác mạnh mẽ" (30/08/2019)
  + Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn chào Tổng thống Zelensky nhân dịp Quốc khánh Ucraina (24/08/2019)
  + Lễ hội đèn lồng Hội An lần thứ hai tại Đức (24/08/2019)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60209234

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July