“Phát triển thành phố bền vững mang đến vô vàn lợi ích trong cuộc sống của mỗi người dân. CopenHill là khu phức hợp điển hình, nơi bạn có thể leo núi trên mặt tiền nhà máy, tận hưởng bầu không khí trong lành khi tản bộ lên tới đỉnh, để rồi phóng xuống trên đường trượt tuyết một cách đầy phấn khích”, kiến trúc sư Bjarke Ingels, nhà sáng lập dự án, nhấn mạnh.
Năm 2017, CopenHill chính thức hoạt động, với mục tiêu đưa Copenhagen trở thành Thủ đô đầu tiên có khả năng loại bỏ hoàn toàn khí thải CO2 tới năm 2025. Sau bốn năm xây dựng, với tổng chi phí 670 triệu USD, nhà máy đã góp phần tiêu hủy hơn 440 nghìn tấn chất thải, tạo ra nguồn năng lượng sạch, cung cấp điện và sưởi ấm 150 nghìn ngôi nhà mỗi năm. Hơn 90% lượng kim loại phế thải được tái chế thành hàng trăm nghìn tấn tinh thể, qua đó tái sử dụng như vật liệu làm đường giao thông.
Không những vậy, với thiết kế tài tình của Bjarke Ingels, hệ thống máy móc tối tân được che phủ bằng đường trượt tuyết làm từ cỏ nhân tạo rộng hơn 9.000 m2, với góc quay 180 độ, uốn lượn từ đỉnh của tòa nhà xuống mặt đất. Khu vực đường chạy trên sườn dốc cũng được trồng cây, nhằm tăng khả năng chắn gió, che mát cho người đi bộ. Hệ sinh thái này được kỳ vọng sẽ tạo nên “lá phổi xanh” thu hút các loài chim, cũng như hấp thụ và loại bỏ các thành phần độc hại trong không khí.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới tâm điểm cảm giác mạnh tại CopenHill - bức tường leo núi nhân tạo khổng lồ (cao 86 m, rộng 10 m). Vượt tới đỉnh nhà máy, quán cà-phê và quầy bar sẽ mang đến góc nhìn rộng mở nhằm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố và khu vực bến cảng Copenhagen.
Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nơi đây ngày càng hấp dẫn các gia đình Đan Mạch muốn kiếm tìm địa điểm thư giãn ngắm cảnh hay tận hưởng các hoạt động thể thao ngoài trời mỗi dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, trung tâm giải trí và giáo dục rộng tới 600 m2 bên trong CopenHill cũng là nơi tổ chức nhiều hội nghị, triển lãm, giúp du khách có thêm nhiều kiến thức bổ ích nhằm bảo vệ môi trường.
Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, không khí đo được chung quanh nhà máy trong lành hơn hẳn khu vực trung tâm thành phố Copenhagen. Khu tổ hợp giải trí và nhà máy xử lý chất thải CopenHill đã chứng minh được hiệu quả và lợi ích bền vững, như nhận định đầy tự hào của Bjarke Ingels: “Kiến trúc hoàn toàn có sức mạnh và khả năng làm thay đổi thế giới”.
(theo nhandan.com.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/the-gioi-muon-mau/kien-truc-voi-suc-manh-thay-doi-the-gioi-20210420123246655.htm