Đó là lý do mà ông Sasaki khuyến khích những người dân trong thị trấn tới để “gọi điện” cho những người thân yêu đã sang thế giới bên kia, đến để chia sẻ với người đã ra đi những cảm xúc, những suy nghĩ đang chất chứa trong lòng.
Bên trong bốt, có một chiếc điện thoại quay số cổ màu đen chẳng kết nối đến đâu và một cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ. Tất cả đều đã nằm ở đó suốt bao năm qua, chứng kiến biết bao cuộc trò chuyện của những người còn sống và người đã khuất. 9 năm kể từ khi xuất hiện, “Bốt điện thoại của gió” trở thành điểm đến của hơn 10.000 người, từ dân địa phương tới khách du lịch. Thông qua những dòng tâm sự này, ông Sasaki nhận ra rằng, thời gian đang dần chữa lành những vết thương.
Sau trận động đất và sóng thần năm 2011, hiện vẫn còn hơn 400 người dân của thị trấn Otsuchi cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều người vẫn còn niềm tin rằng, những người thân yêu của họ có thể vẫn còn sống và đang ở đâu đó. Con số đó đồng nghĩa với việc có tới hàng trăm gia đình phải chịu nỗi đau mất người thân. Những người qua đời đã yên nghỉ, nhưng người ở lại sống trong đau buồn, mất mát và mỗi lần nhớ người thân, họ lại tìm đến “Bốt điện thoại của gió” để phần nào vơi đi nỗi nhớ thương.
Bà Sachiko Okawa, 76 tuổi cho biết: "Tôi cảm thấy như mình có thể nghe và nhìn thấy chồng tôi nói chuyện. Tôi cảm thấy tốt hơn khi nói chuyện và nghĩ rằng ông ấy đang lắng nghe tôi nên tôi thường xuyên đến đây”.
Dù chỉ có thể giao tiếp một chiều, họ vẫn trò chuyện vui vẻ và thổ lộ những điều họ muốn nói từ lâu với người đã khuất. Nhiều người đến đây để tìm kiếm câu trả lời, hy vọng người thân của họ có thể nghe thấy nỗi lòng của mình. Số khác đến đây bày tỏ mong muốn của bản thân, số khác nữa đến để thông báo rằng những người còn sống đang sống rất tốt và mong họ yên nghỉ. Cuộc nói chuyện khiến họ cảm thấy thoải mái hơn, thanh thản và tin rằng người thân bên kia thế giới có thể nghe thấy.
“Cháu chào ông, đã 10 năm rồi kể từ sau trận động đất và sóng thần. Cháu sắp học xong tiểu học rồi đấy, năm sau cháu sẽ lên cấp 2. Năm nay có một loại virus mới làm rất nhiều người chết như động đất và sóng thần, nên mọi người đều phải đeo khẩu trang. Tất cả mọi người nhà mình đều khỏe ông ạ”, bé Daina Okawa, 12 tuổi, “gọi điện” cho người ông của mình.
Đối với người dân Nhật Bản, việc bày tỏ cảm xúc và bộc lộ những đau khổ của mình không phải là việc dễ dàng, đặc biệt họ chỉ có thể làm việc đó ở những nơi kín đáo và cho họ có cảm giác an toàn. Không gian nhỏ hẹp nhưng riêng tư của chiếc bốt điện thoại này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tâm lý ấy./.