Thăm “ngôi nhà của Người tình” Thăm “ngôi nhà của Người tình” , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Được coi là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây Nam Bộ, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc mà còn gắn liền với câu chuyện tình nổi tiếng đã đi vào văn chương, nghệ thuật.
Ngôi nhà cổ độc đáo
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một điền chủ, thương gia người Việt gốc Hoa giàu có xây dựng năm 1895.
Nằm giữa khu thị tứ náo nhiệt ven sông Sa Đéc, trong khuôn viên 2.000m2, ngôi nhà ba gian truyền thống kiểu miền Tây Nam Bộ có diện tích 258m2 được làm chủ yếu từ gỗ, mái hình thuyền lợp ngói âm dương. Mặt chính gồm 3 gian hướng ra con đường phía bờ sông. Năm 1917, chủ nhân cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, trông bề ngoài, ngôi nhà giống như một biệt thự kiểu phương Tây, nhưng bên trong lại là lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.
Sau lần trùng tu lớn này, ngôi nhà mang nét pha trộn hài hòa của ba phong cách kiến trúc Pháp, Việt, Hoa nhưng vẫn giữ cấu trúc kiểu nhà truyền thống miền Tây Nam Bộ. Riêng lối bài trí và phong cách nội thất mang chủ đề mỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Lớp nhà ngoài là nơi thờ tự và tiếp khách. Lớp nhà giữa là các phòng ngủ và sinh hoạt chung, phía sau là không gian phụ. Nhiều vật liệu như gạch, kính màu, gạch lát nền... được nhập từ Pháp. Khung nhà và nội thất trang trí được làm từ gỗ quý chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng.
Ngôi nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ có giá trị về lịch sử và mỹ thuật như án thờ, tủ rượu, phản, đồ gốm, máy nghe nhạc, ti vi... Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, là minh chứng điển hình của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Sau khi ông Huỳnh Cẩm Thuận mất, người con trai út là Huỳnh Thủy Lê thừa kế ngôi nhà. Năm 1972, ông Huỳnh Thủy Lê mất. Vợ con ông sau đó ra nước ngoài định cư, ngôi nhà bị bỏ trống. Sau năm 1975, ngôi nhà là cơ quan chính quyền, đến năm 2007 trở thành điểm tham quan. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là Di tích quốc gia năm 2009 và là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới Sa Đéc.
Mối tình đi vào văn chương, nghệ thuật
Không chỉ là ngôi nhà cổ độc đáo về kiến trúc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn đặc biệt bởi gắn với cuộc tình của chủ nhân và một cô gái người Pháp hồi đầu thế kỷ XX.
Năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận, chàng công tử Huỳnh Thủy Lê gặp cô nữ sinh người Pháp Marguerite Duras - khi ấy mới hơn 15 tuổi, còn chàng đã 32 tuổi. Bỏ qua mọi rào cản về quốc tịch, xuất thân, văn hóa..., họ yêu nhau say đắm và sống chung tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ông Huỳnh Cẩm Thuận và gia đình không chấp nhận mối quan hệ này bởi sự khác biệt về văn hóa Đông - Tây. Hai người buộc phải chia tay nhau. Marguerite Duras lên tàu trở về Pháp, còn Huỳnh Thủy Lê trở về Sa Đéc làm đám cưới với người vợ do gia đình sắp đặt từ trước.
Sau này, Marguerite Duras trở thành một nhà văn. Hơn 50 năm sau cuộc tình đầu tiên trên đất Việt, bà đã viết tiểu thuyết L’Amant (Người tình) kể về mối tình của bà với ông Huỳnh Thủy Lê. Năm 1984, cuốn tiểu thuyết được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng và nhận Giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành bộ phim cùng tên và phát hành năm 1992. Trong phim có nhiều cảnh quay tại Việt Nam như dòng sông Tiền thơ mộng, bến phà Mỹ Thuận náo nhiệt... Từ khi tiểu thuyết và bộ phim ra đời, ngôi nhà cổ bên bờ sông Sa Đéc trở nên nổi tiếng và được gọi là “ngôi nhà của Người tình”. Dẫu không phải là nơi diễn ra những khoảnh khắc liên quan trực tiếp tới mối tình của Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras, song nó gắn bó với chủ nhân - người khơi nguồn cảm hứng cho tác phẩm văn chương bất hủ của nữ văn sĩ Marguerite Duras.
Chị Lâm Thị Hồng Diễm, hướng dẫn viên tại ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cho biết: Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đồng Tháp, đặc biệt là khách nước ngoài muốn tìm hiểu về thiên tình sử của nữ văn sĩ Marguerite Duras.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trước khi có dịch Covid-19, mỗi tháng, nơi đây đón khoảng 2.000 lượt khách nước ngoài, trong đó có 50% là du khách Pháp. Anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ Hà Nội, bày tỏ: “Tôi đã xem phim Người tình trước khi đến tham quan ngôi nhà này. Đó quả là một ngôi nhà rất đặc biệt, không chỉ vì kiến trúc mà còn vì câu chuyện tình đẹp khiến người ta nhớ mãi...”.