(HNMCT) - Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điểm đến không dễ bỏ qua của du khách khi tới thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp. Đây không chỉ là một bảo tàng nghệ thuật mà còn là pho sử về vương quốc Chăm Pa với nền văn minh rực rỡ.
Lịch sử bảo tàng
Dải đất từ Quảng Bình tới Bình Thuận xưa kia tồn tại nền văn minh, văn hóa rực rỡ của vương quốc Chăm Pa. Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, những miền đất ấy đã hòa chung vào Đại Việt, và nền văn hóa Chăm cùng những di sản kiến trúc - điêu khắc đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam ngày nay. Qua thời gian, nhiều di sản kiến trúc đã biến mất hoặc trở thành phế tích. Và Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi lưu giữ những hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa Chăm từng phát triển rực rỡ trong lịch sử.
Bảo tàng được xây dựng theo ý tưởng của nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier với thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu pha trộn với kiến trúc Chăm. Công trình được hoàn thành năm 1919, trở thành trung tâm lưu trữ và nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Chăm ở miền Trung.
Dù đã qua hai lần cải tạo, mở rộng, song phong cách kiến trúc của bảo tàng vẫn được tôn trọng và giữ nguyên vẹn. Lần mở rộng thứ nhất được tiến hành vào đầu những năm 1930 và hoàn thành năm 1936. Trong lần cải tạo này, hai khối nhà được xây dựng hai bên - về phía trước công trình cũ - để tạo nên hai phòng trưng bày mới, dành cho những hiện vật thu thập được trong giai đoạn 1920-1930. Chính nhà khảo cổ Henri Parmentier đã đưa ra ý tưởng trưng bày các tác phẩm theo nguồn gốc, địa điểm phát hiện và khai quật. Cấu trúc đó cùng tuyến tham quan bảo tàng về cơ bản vẫn giữ nguyên cho tới hiện tại. Lần mở rộng thứ hai là năm 2002. Khối nhà mới hai tầng được xây dựng phía sau nhà cũ, có diện tích trưng bày 2.000m2, ngoài ra còn dành 500m2 làm kho, xưởng phục chế và các phòng làm việc, nghiên cứu.
Theo ý tưởng trưng bày của nhà khảo cổ Henri Parmentier từ khi thành lập bảo tàng, các không gian trưng bày được phân chia và đặt tên theo nguồn gốc, địa điểm phát hiện, khai quật hiện vật như “phòng Quảng Trị”, “hành lang Quảng Nam”, “hành lang Quảng Ngãi”, “phòng Trà Kiệu”, “phòng Mỹ Sơn”... Ngoài ra, còn phải tính tới không gian trưng bày mở rộng ở khối nhà mới dành cho các triển lãm ngắn hạn hay triển lãm chuyên đề.
Bên cạnh cách phân chia hiện vật theo nguồn gốc hoặc không gian trưng bày, bảo tàng còn phân loại, sắp xếp các hiện vật và tác phẩm điêu khắc theo chất liệu, niên đại, loại hình (phù điêu, tượng tròn, chi tiết kiến trúc) hay nội dung tác phẩm...
Nơi lưu giữ hồn Chăm
Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam (đầu thế kỷ XX). Đây cũng là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới trưng bày về nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Bản thân công trình đã có giá trị kiến trúc đặc sắc. Những tác phẩm điêu khắc được trưng bày ở đây phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm xưa cũng như những quan niệm, tư duy tạo hình trong điêu khắc, kiến trúc. Phần lớn tác phẩm miêu tả các vị thần trong Ấn Độ giáo, bên cạnh đó là những tác phẩm có nội dung gần gũi với cuộc sống.
Những tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc ở cả yếu tố tạo hình, nội dung, tư tưởng cũng như sự độc đáo về chất liệu. Các tác phẩm có giá trị độc lập, lại có sự kết nối tạo nên hồn Chăm Pa trong không gian kiến trúc độc đáo.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là trung tâm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là nơi lui tới thường xuyên của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc và là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tại Đà Nẵng. Anh Nguyễn Phương Nam, một kiến trúc sư người Đà Nẵng cho biết: “Bảo tàng Điêu khắc Chăm là niềm tự hào của thành phố chúng tôi. Đó là nơi đầu tiên chúng tôi giới thiệu với bạn bè từ nơi khác đến tham quan”. Ông Đỗ Tử Đoàn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đưa thế giới thần thoại Chăm Pa đến với du khách, giúp chúng tôi hiểu thêm về những nét văn hóa Chăm đặc sắc lắng đọng từ lịch sử”.
Không những lưu giữ những hiện vật vô giá, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn là một tác phẩm kiến trúc - nghệ thuật xuất sắc được bảo tồn, giữ gìn trong suốt nhiều thập niên đã qua. Bởi thế, công trình là một điểm nhấn quan trọng và là điểm “phải đến” của du khách trong hành trình tham quan thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp.