Du lịch hấp dẫn và an toàn Du lịch hấp dẫn và an toàn , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Chương trình kích cầu du lịch lần 2 đang được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khởi động lại với thông điệp "an toàn" và "hấp dẫn". Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch khởi sắc, hấp dẫn du khách nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí an toàn, đó là nội dung của hội nghị "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch tổ chức vào chiều 24-9.
Du lịch phải an toàn
Hội nghị "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu du lịch thực tế của người dân. Tuy nhiên, khác với đợt kích cầu lần 1 với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", đợt kích cầu du lịch nội địa lần 2 này, ngành Du lịch phát đi thông điệp rõ ràng hơn đó là "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" phù hợp với việc phòng, chống dịch trong "tình hình mới".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Chương trình kích cầu lần này, các đơn vị phải bảo đảm du lịch an toàn, khách du lịch ý thức thực hiện an toàn phòng, chống dịch".
Tiêu chí thế nào là "an toàn" và làm thế nào để bảo đảm an toàn được các doanh nghiệp, đơn vị đưa ra khá rõ ràng trong hội nghị. Theo ông Vũ Nguyên Khôi, Trưởng ban Tiếp thị và chuyển đổi số của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đối với các chuyến bay, việc bảo vệ cho phi hành đoàn và hành khách luôn được đặt lên hàng đầu bằng cách thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Hành khách được yêu cầu khai báo y tế trước mỗi chuyến bay, khuyến khích check-in, làm thủ tục trực tuyến trên app, website, tổng đài... để bảo đảm giãn cách xã hội. Đơn vị cũng cam đoan sẽ thực hiện an toàn tuyệt đối cho 156 chuyến bay đưa người lao động từ nước ngoài về nước, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Ở góc độ lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, không chỉ có các đơn vị cung cấp dịch vụ, điểm đến thực hiện các biện pháp du lịch an toàn mà du khách cần phải có ý thức, hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo "thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Theo bà Hương, biện pháp hiện nay là các đơn vị lữ hành, điểm đến vẫn phải tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và cung cấp cho du khách những vật dụng phòng, chống dịch cơ bản như khẩu trang, nước sát khuẩn tay.
Liên kết tạo sản phẩm mới
Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị đó là bên cạnh yếu tố "an toàn", các đơn vị cần làm gì để du lịch Việt Nam "hấp dẫn", nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, lúc này các đơn vị càng cần phải phát huy sức mạnh của liên minh du lịch đã được hình thành từ giai đoạn trước. "Chỉ có liên minh, liên kết thì các đơn vị mới cho ra được những sản phẩm du lịch chất lượng với giá hợp lý", ông Bình nói. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ, giới thiệu sản phẩm mới lạ.
Tại hội thảo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng thông tin những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn mà đơn vị đang triển khai. Cụ thể, hệ thống khách sạn cao cấp Vinpearl (thuộc tập đoàn Vingroup) đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, gói dịch vụ... với chi phí hợp lý, như: Các kỳ nghỉ trọn gói đã bao gồm vé máy bay, nghỉ dưỡng, voucher đồng giá... có mức ưu đãi giảm đến 50%; xây dựng sản phẩm mới tại Phú Quốc, Nha Trang, Nam Hội An, đồng thời đơn vị này tập trung đẩy mạnh mảng du lịch hội họp (MICE). Trong khi đó, Alma Resort cung cấp thêm nhiều dịch vụ tại phòng nghỉ, sử dụng vòng đeo tay thông minh để tránh sử dụng tiền mặt trong khu nghỉ dưỡng...
Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch các địa phương là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội... cho biết, thời gian tới đây, các địa phương sẽ tích cực liên kết, tổ chức xúc tiến du lịch để tạo thành những vùng du lịch an toàn, hấp dẫn cho du khách.
Bên cạnh các biện pháp thực hiện an toàn, hấp dẫn cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn kích cầu lần 2, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, để du lịch thật sự hồi phục và phát triển bền vững, các cơ quan quản lý du lịch nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ; tập trung đào tạo nguồn nhân lực tốt cho ngành...