Về cực Nam Tổ quốc Về cực Nam Tổ quốc , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Cà Mau - hai tiếng thân thương luôn nhắc nhớ người dân Việt Nam hướng về, bởi nơi ấy là cực Nam của Tổ quốc. Vùng đất non trẻ, có lịch sử hình thành cách nay 3 thế kỷ này khiến du khách đặt chân đến một lần sẽ cảm thấy quyến luyến bởi vẻ đẹp thiên nhiên và nét phóng khoáng của con người nơi đây...
Nơi “đất biết nở, rừng biết đi...”
Cà Mau là vùng đất trẻ được phù sa bồi lắng, tích tụ, tạo thành lớp đất màu mỡ, thích hợp cho việc nuôi thủy sản, trồng rừng ngập mặn... Nhờ những cánh rừng này, mỗi năm, diện tích đất liền lại “lấn” ra biển vài chục mét, bởi vậy, Cà Mau còn được gọi là vùng “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể vừa ngắm mặt trời mọc ở mặt biển Đông vào buổi sáng, vừa thấy mặt trời lặn ở phía Tây vào buổi chiều do có ba mặt tiếp giáp với biển.
Cà Mau sở hữu hơn 100 nghìn héc ta diện tích rừng với hai hệ sinh thái rừng đặc dụng tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rừng tràm U Minh Hạ và rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Đặc biệt, vùng ngập mặn Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ngoài ra, Cà Mau còn có hai khu đa dạng sinh học là Lâm ngư trường sông Trẹm (huyện U Minh) và Lâm ngư trường 184 (huyện Năm Căn). Bên cạnh việc tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú, các hệ sinh thái rừng và khu đa dạng sinh học này còn là nơi sinh sống, bảo tồn nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý hiếm; có chức năng điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái; có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Cà Mau sở hữu hơn 100 nghìn héc ta diện tích rừng với hai hệ sinh thái rừng đặc dụng tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rừng tràm U Minh Hạ và rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Đặc biệt, vùng ngập mặn Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ngoài ra, Cà Mau còn có hai khu đa dạng sinh học là Lâm ngư trường sông Trẹm (huyện U Minh) và Lâm ngư trường 184 (huyện Năm Căn). Bên cạnh việc tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú, các hệ sinh thái rừng và khu đa dạng sinh học này còn là nơi sinh sống, bảo tồn nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý hiếm; có chức năng điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái; có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Phát triển du lịch sinh thái bền vững
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, đa dạng nhưng so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có phần thua thiệt hơn về phương diện phát triển du lịch. Lý giải nguyên nhân du lịch Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist cho rằng, ngoài yếu tố khoảng cách địa lý, du lịch Cà Mau khó phát triển bởi hệ thống giao thông chủ yếu vẫn là vận tải thủy, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa có sản phẩm du lịch nổi bật để hấp dẫn du khách.
Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn, Cà Mau xác định sản phẩm chính là du lịch về nguồn và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết: Cùng với việc nâng cao nhận thức trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh cũng khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng.
Hiện nay, đặc sắc nhất là tour tham quan Vườn quốc gia Mũi Cà Mau gắn với điểm cực Nam của Tổ quốc và các điểm du lịch cộng đồng ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Du khách sẽ được đi xuyên rừng, ngắm mặt trời lặn; check-in tại Cột cờ Hà Nội, Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và biểu tượng con tàu đất nước; trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng cùng người dân bản địa với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Bắt ba khía về đêm hay thử đi vỏ lãi (xuồng nhỏ)... “Trước dịch Covid-19, tuyến du lịch này thu hút nhiều khách du lịch bởi những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Đây là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng rõ nét của Cà Mau”, ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng triển khai xây dựng sản phẩm du lịch tại Mũi Cà Mau, tour Cà Mau - U Minh Hạ - Đá Bạc - Điểm du lịch Bác Ba Phi, kết nối tuyến Đất Mũi - Hòn Khoai (Cà Mau) - Nam Du - Phú Quốc (Kiên Giang) và liên kết phát triển sản phẩm du lịch với Thái Lan, Campuchia nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn để thu hút du khách đến với Cà Mau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Với việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có cùng sự tham gia của cộng đồng, du lịch Cà Mau sẽ có những bước tiến "chậm mà chắc" trong tương lai.