(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang nỗ lực liên kết đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đây là việc làm cần thiết, tạo ra chất lượng nhân lực đồng đều, giúp ngành Du lịch các địa phương cùng phát triển.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố hiện có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nhân lực du lịch. Còn theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có hơn 85% lao động trong ngành trên địa bàn chưa qua đào tạo. Với số đã qua đào tạo, chỉ hơn 2% trình độ trung cấp, gần 3% trình độ cao đẳng - đại học và sau đại học. Vì vậy, nhu cầu được nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn trong ngành Du lịch là rất lớn.
Ngoài ra, khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai liên kết phát triển du lịch với Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), việc các địa phương thiếu nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp đã dẫn đến chất lượng phục vụ tour liên kết không đồng đều ở các địa phương. Anh Hoàng Hữu Châu, khách du lịch từ tỉnh Bình Định đi theo tour thăm thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh nhận xét: "Phong cách, chất lượng phục vụ trên tuyến vẫn có nơi, có lúc chưa chuyên nghiệp, khiến du khách đôi khi chưa hài lòng".
Về việc này, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng cũng đã nhận thấy việc thiếu hụt nhân lực ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Nếu các dự án du lịch của tỉnh đi vào hoạt động đúng tiến độ thì đến năm 2025, chúng tôi sẽ thiếu hụt ít nhất 5.000 người phục vụ du lịch, trong đó có 1.000 nhân lực chất lượng cao”. Còn tại tỉnh Bình Thuận, với thế mạnh phát triển nhanh các resort nghỉ dưỡng, tỉnh đang thiếu nhân lực phục vụ khu nghỉ dưỡng 3-5 sao. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận thông tin: “Hiện chúng tôi đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao phục vụ khách tầm trung và cao cấp”.
Để sớm phục hồi ngành kinh tế du lịch sau dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ đã ký kết hợp tác liên kết du lịch. Một trong các nội dung quan trọng là thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm điều phối và trung tâm đào tạo nhân lực, đảm nhận công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cho các địa phương.
Ngay trong tháng 7-2020 này, những lớp đào tạo liên kết đầu tiên đã được tiến hành.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Để cải thiện chất lượng phục vụ du khách cho các tour du lịch liên kết, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn. Lớp đầu tiên tổ chức cho 80 học viên của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về quản lý homestay và điểm lưu trú quy mô nhỏ". Chị Trương Thu Sương đến từ Hậu Giang, chia sẻ: "Tham gia lớp học 3 ngày này, chúng tôi được trang bị những kiến thức mới nhất, thiết thực về quản lý, phục vụ du khách”.
Mới đây, các địa phương liên quan đã tiến hành ký kết thỏa thuận về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuẩn quốc tế ngành quản trị khách sạn giữa Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề Khách sạn du lịch quốc tế Imperial (IIHC), Trường Đại học Tài chính - Marketing và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Tây Ninh; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thỏa thuận giữa các bên liên quan, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam sẽ hợp tác với Trường IIHC làm mô hình thí điểm trong việc triển khai chương trình đào tạo ngắn hạn nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế. Khóa đào tạo kéo dài 16 tuần cho ngành quản trị khách sạn nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho các địa phương khu vực phía Nam.