(HNMCT) - Tuyến đường sắt Bắc Nam được người Pháp hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1936. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, tuyến đường sắt này không chỉ đóng vai trò vận chuyển hàng hóa trong nước, mà còn là loại hình vận tải được nhiều khách du lịch lựa chọn.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại phương tiện khác, ngành Đường sắt cần chuyển mình mạnh mẽ hơn và liên kết với ngành Du lịch để phát huy thế mạnh.
Loại hình vận tải an toàn, thú vị
Vận tải đường sắt có tính an toàn, hiệu quả kinh tế cao và thuận lợi đối với hành khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng, khá lý tưởng để du khách gia tăng trải nghiệm cho chuyến đi của mình.
Năm 2018, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet đã bình chọn đường sắt Bắc Nam của Việt Nam đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới. Năm 2019, hãng tin Sputnik của Nga cũng bầu chọn tuyến đường sắt này là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Theo Sputnik, bằng cách đi tàu Thống Nhất, du khách có thể khám phá Việt Nam qua các thành phố mang bề dày lịch sử cùng khung cảnh thơ mộng, đồng thời tận hưởng cảm giác thoải mái trong những toa giường nằm có điều hòa.
Tuy nhiên, ngành Đường sắt Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: “Sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải, đặc biệt là hàng không khi các hãng đua nhau giảm giá, tăng số lượng chuyến; hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt ngày càng xuống cấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu khiến số lượng hành khách sử dụng tàu hỏa ngày càng giảm”.
Liên kết để phát triển
Nhận thấy nguy cơ bị bỏ xa trong việc thu hút khách, những năm gần đây, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) đã có những biện pháp cụ thể để thu hút khách trở lại. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Haraco đã chủ động đóng mới, cải tạo các toa xe, thiết kế lại hệ thống nhà vệ sinh với tiện nghi hiện đại, sạch sẽ. Trong năm 2018 - 2019, công ty đã đóng mới 145 toa xe để đưa vào khai thác, phục vụ khách. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với ngành Hàng không tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận tiếp viên, song song với việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của ngành để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách”.
Chị Nguyễn Thùy Dương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ sau chuyến du lịch bằng tàu hỏa mới đây: “Sau dịch Covid-19, gia đình tôi đi nghỉ ở Quảng Bình bằng tàu hỏa. Tôi thực sự ngạc nhiên trước sự thay đổi của ngành Đường sắt, từ khâu đặt vé qua mạng thuận tiện cho đến các toa tàu được đóng mới, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng có sự thay đổi rõ rệt”.
Không chỉ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Haraco đã đẩy mạnh liên kết với ngành Du lịch. Mới đây, Haraco hợp tác với CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội thực hiện chương trình Kích cầu du lịch nội địa bằng đường sắt năm 2020. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel cho biết, các thành viên trong câu lạc bộ đã xây dựng chương trình tour đi Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Lào Cai bằng đường sắt với mức giá ưu đãi cùng nhiều dịch vụ hấp dẫn. Trong tháng 7 và 8-2020, Haraco dành 2.000 chỗ cho các đơn vị tham gia Liên minh kích cầu để xây dựng sản phẩm tour charter (thuê nguyên chuyến). Các chuyến tàu này sẽ chỉ phục vụ khách du lịch với giờ chạy riêng, không đón khách lẻ, mức giá giảm 30% so với các năm trước.
“Tham gia Liên minh kích cầu, các doanh nghiệp cam kết đưa tới cho khách hàng chương trình tour với mức giá thống nhất. Du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao khi đi tàu hỏa, nghỉ tại khách sạn 3 - 5 sao, thăm các điểm đến nổi tiếng... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra các dịch vụ khác, như tổ chức sinh nhật ngay trên tàu để mang tới cho du khách trải nghiệm thú vị”, ông Khánh cho biết.
Đánh giá về cơ hội phát triển của du lịch đường sắt trong thời gian tới, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng: “Khoảng thời gian sau dịch Covid-19 là cơ hội đối với ngành Đường sắt vì nhiều du khách vẫn có tâm lý e ngại khi đi máy bay. Để thu hút khách, ngành Đường sắt cần quảng bá rộng rãi hơn nữa, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, bổ sung các sản phẩm đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách”.
Với sự chuyển mình mạnh mẽ, hy vọng du lịch đường sắt sớm tạo ra bước đột phá trong thời gian tới.