(HNMCT) - Theo thống kê, trên cả nước hiện có 685 di tích và địa điểm di tích, lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh, thành phố, trong đó Huế là nơi lưu nhiều dấu ấn của Người. Trong khoảng 10 năm, Huế là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Và cũng chính mảnh đất này đã góp phần hun đúc, hình thành nhân cách của vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi thế, Huế cũng được coi là "quê hương thứ hai" của Người.
Nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác
Nếu như Nghệ An là nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên thì Huế là nơi hai lần Người theo cha đến sinh sống, học tập. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng, hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân để rồi người cộng sản Nguyễn Ái Quốc quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Tại Huế hiện có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, đình làng Dương Nỗ, Trường Quốc học Huế. Đến thăm ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, thành phố Huế), du khách sẽ được nghe những câu chuyện xúc động về thời niên thiếu của Bác khi Người lần đầu tiên cùng gia đình rời quê hương Nghệ An vào Huế. Nơi đây đã chứng kiến biết bao kỷ niệm của gia đình Bác. Đó là những năm tháng cha của Bác - ông Nguyễn Sinh Sắc miệt mài đèn sách, là nơi Bác và người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm cùng lớn lên, và cũng là nơi mẹ Bác - bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng sau khi sinh người con trai út Nguyễn Sinh Nhuận (Nguyễn Sinh Xin). Sau nhiều thập kỷ, ngôi nhà gỗ với lối kiến trúc kiểu nhà rường truyền thống Huế vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là nơi Bác đã sống từ năm 1898 đến năm 1900, khi Người cùng anh trai theo cha về đây dạy học. Tại đây, ông Nguyễn Sinh Sắc đã dạy chữ Hán và đặt nền tảng học vấn kiến thức cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến thăm nơi đây, nhiều du khách không khỏi bồi hồi xúc động khi được nghe những câu chuyện giản dị gắn với những đồ dùng sinh hoạt của gia đình Bác như: Bộ phản gỗ nơi ông Nguyễn Sinh Sắc ngồi dạy học, chiếc giường gỗ dát tre - nơi hai anh em Khiêm, Cung thường nằm... Cách đó không xa là đình làng Dương Nỗ - nơi cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung thường ngồi học.
Ngoài ra, tại Huế còn có các di tích khác gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Am Bà, bến Đá (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) hay địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (xã Thủy An, thành phố Huế)... Sau hành trình tham quan các điểm di tích trên, du khách Trần Minh Ngọc (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ biết những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội và Nghệ An. Tôi rất xúc động khi được tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác thông qua các di tích ở Huế”.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về Người
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và địa điểm di tích, lưu niệm Hồ Chí Minh đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế quan tâm suốt nhiều năm qua, thể hiện qua việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, đặc biệt là các di tích bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá như: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan... Bên cạnh đó, bảo tàng cũng chú trọng sưu tầm, bổ sung hiện vật tại các di tích nhằm làm phong phú thêm thông tin về Người.
Để tăng sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là tăng cường giáo dục truyền thống cho học sinh trên địa bàn, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế liên tục thay đổi chương trình hoạt động. Ông Lê Văn Hà, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn của bảo tàng chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên đổi mới hoạt động tìm hiểu, khám phá và giáo dục truyền thống như: Dâng hương, thi vẽ tranh, viết chữ đẹp và tìm hiểu về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, học tập tại Huế. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên để hoạt động thuyết minh ngày càng hấp dẫn”.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh thành phố Huế cho rằng, cần có sự liên kết, xây dựng tour, tuyến giữa các điểm di tích về Bác với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách đến. Những năm qua, Vietravel đã tổ chức tour đạp xe thăm các điểm như trung tâm thành phố Huế - làng Sình - làng hoa giấy Thanh Tiên - Dương Nỗ - khu du lịch Mỹ An... được nhiều du khách đón nhận.
Hệ thống di tích, lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa về Người. Tuy nhiên, Thừa Thiên - Huế cần tăng cường đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các di tích, lưu niệm Hồ Chí Minh sao cho xứng tầm với vị thế là "quê hương thứ hai" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam.