(HNMO) - Ngày 11-5, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 8h ngày 14-5. Trong thời gian mở cửa di tích, trung tâm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, để chuẩn bị các điều kiện an toàn cho du khách khi mở cửa trở lại di tích, trung tâm đã bố trí máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn phục vụ du khách. Tất cả du khách đến tham quan di tích đều được thực hiện các biện pháp phòng dịch và được yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào di tích.
Trong vòng 14 ngày sau chuyến tham quan, trung tâm đề nghị du khách nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đến khám tại các cơ sở y tế và thông báo tình hình sức khỏe cho trung tâm.
"Các bảng thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được chuẩn bị bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và đặt tại các cửa ra vào, cũng như các điểm dừng tham quan. Trung tâm đã tiến hành phun khử trùng thường xuyên tại tất cả các khu vực của di tích và thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt tại các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định của ngành Y tế. 100% cán bộ và người lao động tại di tích luôn đeo khẩu trang khi làm việc, thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày khi đến và về. Chúng tôi yêu cầu, mỗi đoàn khách giới hạn số lượng dưới 30 người", ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động, hiện nay, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn chủ động tìm kiếm những hướng đi mới để thu hút khách tham quan, kích cầu du lịch Thủ đô sau dịch Covid-19. Trung tâm tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích.
Đó là các sản phẩm lưu niệm du lịch bằng vật liệu truyền thống như gốm, sứ, tre, vải... của các làng nghề Hà Nội có các họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam.
"Các sản phẩm lưu niệm mới sẽ được thiết kế vừa mang tính truyền thống vừa có yếu tố đương đại để tạo nên nét đặc trưng riêng. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một "đại sứ thương hiệu" của Văn Miếu - Quốc Tử Giám", ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Dự kiến, các hoạt động giáo dục di sản tại di tích sẽ thực hiện phương pháp mới, đó là kết hợp yếu tố dân gian với các phương tiện công nghệ hiện đại nhằm tạo sự thích thú, tương tác cho du khách và học sinh khi tham quan, tìm hiểu di tích.