(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 3 tháng nay, ngành Du lịch rơi vào trạng thái “đóng băng”, nhiều hoạt động phải tạm dừng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, ngành Du lịch đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với hy vọng nhanh chóng “phá băng” thị trường, kích cầu ngay khi hết dịch...
Chủ động vượt khó
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 20-30%; ước tính “ngành công nghiệp không khói” toàn cầu tổn thất từ 300 đến 450 tỷ USD. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mức thiệt hại của toàn ngành có thể lên tới hơn 7,7 tỷ USD. Riêng ở Hà Nội, trong tháng 4-2020, lượng khách du lịch quốc tế lưu trú đã giảm 98,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu trên cho thấy, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam, khi các hoạt động lữ hành, lưu trú, vận chuyển đều “đóng băng”, rất nhiều lao động bị mất việc làm. Doanh nghiệp nào cầm cự được thì chuyển sang trạng thái “ngủ đông”, cho nhân viên làm việc luân phiên để giảm chi phí. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, “ngủ đông” chưa phải là kịch bản xấu nhất, vì thế các đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch riêng để tự cứu mình.
Gần đây, những công ty du lịch lớn như Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel, Hanoi Redtour… đã tiến hành nghiên cứu thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách quen thuộc, như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Ngoài ra, tranh thủ thời gian “ngủ đông”, các đơn vị đã củng cố nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm kích cầu để ngay lập tức “tung” ra thị trường, khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
Giám đốc điều hành Công ty Du lịch TransViet Hoàng Đức Huy cho biết, dù chỉ có 30% nhân sự đang hoạt động, nhưng công ty đã chủ động tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nghiên cứu dòng sản phẩm mới, như "Du lịch hẹn hò" (Dating tour) dành cho nhóm khách hàng độc thân, dự kiến giới thiệu ngay sau khi hết dịch. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài, doanh nghiệp cố gắng xây dựng các gói tour mới và sẽ thực hiện quảng bá ngay khi ngành Du lịch triển khai chương trình phục hồi.
Sẵn sàng cho những kịch bản phục hồi
Ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Du lịch đã xây dựng các kịch bản cho việc phục hồi phù hợp với từng giai đoạn, tình hình của dịch.
Đầu tháng 4-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ bổ sung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, có 3 kịch bản phục hồi, tùy diễn biến của dịch đã được vạch ra, đó là: Khi Việt Nam công bố hết dịch; khi Việt Nam và một số nước trong khu vực công bố hết dịch; khi thế giới hết dịch. Các kịch bản đều có bước triển khai phù hợp với từng thời điểm; ưu tiên kích cầu du lịch nội địa, sau đó hướng tới thị trường quốc tế và thực hiện chiến lược quảng bá “Du lịch Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” theo từng cấp độ.
Đề cập đến giải pháp của ngành Du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về du lịch an toàn khi các di tích, cơ sở du lịch... mở cửa trở lại. “Đây là việc làm cấp thiết để hoạt động du lịch trở lại tốt hơn. Điểm đến có an toàn, thì mới thu hút được du khách”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt kịch bản này, trước mắt ngành cần có giải pháp mang tính thực tế để giúp các doanh nghiệp cùng “đứng dậy”. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch vào diện được hỗ trợ trong gói an sinh, xã hội hơn 62.000 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2020…
Đối với du lịch Thủ đô, do sở hữu kho tàng di sản văn hóa dồi dào, nên kịch bản phục hồi có nét riêng. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, Hà Nội sẽ gắn các sản phẩm du lịch với hoạt động bảo tồn di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Sở Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện số hóa các điểm đến trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, lúc này ngành Du lịch vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục thị trường. Nếu dịch được khống chế vào tháng 5-2020, thì ngành Du lịch có thể phục hồi vào cuối năm 2020. “Ngay khi Việt Nam công bố hết dịch, toàn ngành sẽ tập trung vào hoạt động kích cầu thị trường du lịch nội địa với sự chung tay của tất cả doanh nghiệp, đơn vị thông qua việc miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ hàng không, lưu trú, phí tham quan... Đồng thời, ngành Du lịch sẽ tiếp tục triển khai việc quảng bá hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.
Thời điểm này, khi du lịch Việt Nam vẫn ở trạng thái “đóng băng”, thì kịch bản phục hồi cần được xây dựng và chuẩn bị kỹ để có thể triển khai một cách đồng bộ. Để thị trường du lịch nhanh chóng hồi phục khi hết dịch, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhưng cũng cần sự chủ động vào cuộc, nỗ lực chung tay vượt khó của các doanh nghiệp du lịch. Mặt khác, trong xây dựng kịch bản, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hơn về khả năng, phương án cho tình huống phải “sống chung với Covid-19” để tránh bị động khi khởi động trở lại.