(HNMCT) - Cách Thủ đô Hà Nội 300km, Sơn La sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng điều kiện khí hậu lý tưởng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên những mảng màu văn hóa đặc trưng, hấp dẫn. Đó chính là điều kiện thuận lợi để Sơn La phát triển mô hình du lịch cộng đồng - một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Hấp dẫn du lịch cộng đồng
Đến thành phố Sơn La hôm nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh một thành phố phát triển sôi động. Tuy nhiên, chỉ mất vài phút di chuyển, du khách đã có thể tới các bản du lịch cộng đồng nằm ngay trong lòng thành phố hay các xã vùng ven, và tận hưởng trải nghiệm khám phá hấp dẫn.
Bản Hụm (xã Chiềng Xôm) chỉ cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 3km. Nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình với cánh đồng lúa, hang Thẩm Liêng và dòng Nậm La uốn lượn thanh bình. Bản Hụm hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của người Thái - về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực... Đến với bản Hụm, du khách có thể tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con như làm ruộng, bắt cá hoặc leo núi, khám phá hang động. Nếu muốn gia tăng trải nghiệm, du khách có thể di chuyển khoảng 5km để đến với bản Mòng (xã Hua La), nơi có dòng suối nước nóng quanh năm ở mức nhiệt 36 độ C - 38 độ C, với các thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho sức khỏe...
Xuôi theo hướng từ Sơn La về Hà Nội khoảng 140km, bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Không chỉ sở hữu khí hậu trong lành, cảnh sắc thơ mộng với khu du lịch sinh thái rừng thông, nơi đây còn có hồ nước trong xanh suốt bốn mùa. Vào mùa hoa ban nở, du khách sẽ được tham gia lễ hội Hết chá, lễ hội Mừng cơm mới, ở nhà sàn truyền thống và ngủ trên đệm bông gạo hay được tự tay trải nghiệm dệt vải thủ công.
Nổi tiếng không kém bản Áng là bản du lịch sinh thái cộng đồng xã Ngọc Chiến (huyện Mường La). Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển, cách công trình thủy điện Sơn La khoảng 40km, Ngọc Chiến có khí hậu 4 mùa trong ngày. Đến với Ngọc Chiến, du khách được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn làm từ gỗ pơ mu theo lối kiến trúc truyền thống, được ngâm mình trong nước suối khoáng nóng giữa không gian của núi rừng, thưởng thức những món hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp thơm dẻo cùng rượu sơn tra thơm ngọt...
Cú hích từ chính sách
Nhận thấy tiềm năng, ngay từ năm 2008, tỉnh Sơn La đã có chính sách cụ thể để thu hút cộng đồng chung tay xây dựng du lịch cộng đồng trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh. Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: “Sau thành công của Đề án phát triển 4 bản du lịch cộng đồng giai đoạn 1, năm 2016, Sơn La tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2020 và đạt được một số kết quả như: Xây dựng được 8 bản du lịch cộng đồng, 28 homestay tại thành phố Sơn La và các huyện: Mộc Châu, Mường La, Vân Hồ, Quỳnh Nhai. Nhờ mô hình này, hơn 300 lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có việc làm và nguồn thu ổn định. Các mô hình du lịch cộng đồng ở Sơn La còn góp phần đắc lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhiều phong tục tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội, nghề thủ công truyền thống được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị khi gắn với việc phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách...”.
Kể từ khi tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, cuộc sống của người dân bản Mòng (xã Hua La) đã có nhiều đổi thay tích cực. Bản hiện có gần 60 gia đình cung cấp dịch vụ tắm khoáng và hai hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay. Ông Vì Văn Khè, chủ hộ homestay Sơn Khè cho biết, năm 2019, gia đình ông đón hơn 500 lượt khách lưu trú. “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trông vào nguồn thu từ 24 phòng tắm khoáng, bể ngâm phục hồi sức khỏe, thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/ tháng. Sau khi đầu tư dựng nhà sàn theo lối kiến trúc truyền thống của người Thái để kinh doanh dịch vụ homestay, doanh thu của gia đình tôi tăng lên gấp đôi, cuộc sống được cải thiện rõ rệt”. Gia đình ông Vì Văn Khè là một trong những hộ được thành phố Sơn La hỗ trợ kinh phí để cải tạo nhà vệ sinh công cộng, hỗ trợ chi phí trang bị giường, đệm cho du khách; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức đón tiếp du khách...
Còn gia đình bà Tòng Thị Bó với mô hình homestay Minh Trường (bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) đã đón khoảng 2.000 du khách trong 2 năm qua. Gia đình bà liên kết với các hộ dân trong bản đưa khách trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân, tìm hiểu các hoạt động văn hóa truyền thống hay học nấu các món ăn của người Thái... Nhờ vậy, mỗi tháng, gia đình bà có thêm 10 - 15 triệu đồng. “Với mức thu nhập này, gia đình tôi có thể để dành một phần, còn lại sẽ tu sửa, nâng cấp công trình phụ và đầu tư thêm các hạng mục khác để phục vụ du khách”, bà Bó nói.
Chứng kiến sự đổi thay của các gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng, anh Trần Trung Kiên, một nhiếp ảnh gia kiêm thành viên của CLB Phượt Hà Nội chia sẻ: “Tôi đến Sơn La từ mười năm trước và đã quay lại đây nhiều lần. Mừng nhất là chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện kể từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp. Tuy thế, bản sắc văn hóa cũng như tính cách của họ vẫn vậy, giản dị và hiếu khách”.
Phát triển du lịch cộng đồng vẫn là hướng đi bền vững mà tỉnh Sơn La chú trọng. Ngoài giá trị kinh tế, mô hình này còn mang lại giá trị văn hóa bền vững cho địa phương. Vì thế, du lịch cộng đồng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển chung của ngành Du lịch Sơn La.