(HNMCT) - Khâu Từ còn có tên gọi khác là Kuqa hay Quy Từ, nằm ở phía bắc sa mạc Taklamakan trong lòng chảo Tarim thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Trong lịch sử, Khâu Từ từng là nơi giao thoa của rất nhiều nền văn hóa trên con đường tơ lụa cổ đại từ Tây An tới Trung Á. Ngày nay, Khâu Từ được biết đến nhiều nhất bởi ngôi chùa hang đá tạc thẳng vào vách núi hay còn gọi là Thiên Phật động Kizil.
Giá trị lịch sử to lớn
Tôi đến Khâu Từ vào một buổi sáng cuối thu, khi lá vàng trên hàng cây bạch dương bắt đầu rụng. Khâu Từ hoang vu, sỏi đá nhưng không kém phần hùng vĩ với những dãy núi màu đỏ nâu sắc nhọn đâm thẳng lên trời. Núi có những vân đá rất đẹp, như thể được ai đục đẽo bằng tay để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Tìm hiểu vùng đất này qua sách báo rất lâu rồi nên khi đứng ở nơi đây tôi như tìm thấy cố nhân lâu ngày gặp lại.
Từ trung tâm thành phố Khâu Từ có con đường độc đạo xuyên sa mạc Taklamakan đến Thiên Phật động Kizil. Hai bên đường từ cổng soát vé vào tới cửa Thiên Phật động là màu vàng rực rỡ của hàng cây bạch dương cao vút, lá rơi xuống khiến cả con đường là một thảm lá vàng thơ mộng. Nằm khiêm tốn trong một hẻm núi, Thiên Phật động Kizil là quần thể chùa hang đá được xây dựng sớm bậc nhất ở Trung Quốc, từ thế kỷ thứ III.
Kizil tọa lạc ở một vị trí rất đặc biệt: Lưng tựa vào dãy núi, trước mặt có hồ, thung lũng, cây cối xanh tươi, phong cảnh hữu tình. Thiên Phật động Kizil có tất cả 236 hang đá được đánh dấu theo thứ tự. Trong đó có khoảng 80 hang đá còn lưu giữ được các bức vẽ trên tường. Kizil còn có các hang đá nhỏ hẹp, thường được các nhà sư chọn làm nơi ngồi thiền. Toàn bộ các hang đá được đào bới và đục đẽo thủ công, cho thấy sự kỳ công của người xưa.
Giá trị to lớn của Kizil nằm ở các bức bích họa theo phong cách nghệ thuật đậm màu sắc Phật giáo; nhiều bức hiện vẫn còn màu sắc rất rõ nét. Các bức tranh mô tả đời sống của người dân, những điệu múa, trang phục và cả những lễ tế trời đất từ thời xa xưa... một cách sinh động. Đứng lặng trước những bức bích họa còn sót lại, trong đầu tôi luôn vang lên câu hỏi: Trải qua gần hai ngàn năm trơ gan cùng tuế nguyệt như thế, đến đá cũng phải mòn mà sao màu sắc tranh tường vẫn còn sống động?
Bạn hướng dẫn viên chia sẻ cho chúng tôi một thông tin rất thú vị. Các nghệ nhân xưa đã sử dụng bột đá quý từ ngọc lưu ly màu xanh da trời làm lớp màu nền, sau đó dùng bột vàng quét lên phần thân áo cà sa, từ xa sẽ thấy hình ảnh Phật tổ tỏa hào quang lấp lánh. Về sau, Khâu Từ bị người Duy Ngô Nhĩ xâm chiếm, họ đã cạo sạch lớp bột vàng trên mình tượng Phật. Duy chỉ có màu xanh của ngọc lưu ly vẫn nguyên vẹn với thời gian, vẻ đẹp của nó đã khiến biết bao học giả phải thổn thức.
Quốc bảo của Khâu Từ
Thiên Phật động Kizil gắn liền với tên tuổi của đại sư Cưu Ma La Thập - được coi là thần đồng, quốc bảo của Khâu Từ từ khi mới lên bảy tuổi. Đại sư có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật vào Trung Nguyên và dịch một số lượng khổng lồ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Mức độ nổi tiếng của Cưu Ma La Thập chỉ đứng sau Đường Tam Tạng. Từ khi mới bảy tuổi, đại sư Cưu Ma La Thập đã cùng mẹ tới Kashmir, Kabul, Kashgar để học Phật pháp... Tương truyền, danh tiếng của đại sư vang dội khắp khu vực Tân Cương, lan sang Trung Nguyên khi chiến thắng cuộc luận chiến tại Wensu (ngày nay thuộc Aksu, Tân Cương).
Đại sư gặp khá nhiều trắc trở, từng bị giam giữ suốt 17 năm sau cuộc chiến tranh tại Khâu Từ. Năm 401, đại sư bị triều đình Hậu Tần cho giải về thành Trường An với ý định xử tử. Nhưng do tiếng tăm của đại sư quá lẫy lừng, có ảnh hưởng chính trị rất lớn nên triều đình đã giữ lại và cho phép ngài tiếp tục dịch kinh. Tài sản mà Cưu Ma La Thập để lại cho hậu thế là 70 bộ, 348 quyển kinh Phật được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán như kinh Kim cương bát nhã, kinh Duy Ma Cật... Toàn bộ kinh, luật, luận mà đại sư dịch vẫn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.
Ngay trước cổng của Thiên Phật động Kizil là tượng của đại sư Cưu Ma La Thập. Bức tượng khắc họa ngài ở độ tuổi trung niên với khuôn mặt trác tuệ, trái tim rộng lớn, khí khái bất phàm, một chân gập lại, tay phải đặt lên đầu gối, trên mình khoác chiếc áo lộ một bên vai của tăng sĩ, thân hình mảnh khảnh, vầng trán rộng, hai hàng lông mày dài. Ngài đã góp công xây dựng Kizil, đã từng ngồi thiền và tu tập tại đây trước khi bị bắt về Trung Nguyên.
Gần hai nghìn năm đã trôi qua, thời gian đã phủ bụi lên lịch sử và quá khứ nhưng khi đứng trước Kizil, trước tượng của đại sư Cưu Ma La Thập tôi vẫn cảm nhận được hồn thiêng của mảnh đất này. Tôi thấy mình như nghe được cả tiếng lục lạc leng keng của đoàn lạc đà đang đi trên cát, hương vị gió cát của sa mạc và sự vĩ đại của những con người cổ đại.