Thịt chó là món ăn khoái khẩu của nhiều người; thậm chí cứ “đến cữ” mà không được cùng bạn bè làm vài đĩa hấp, ít miếng dồi... bỗng cảm thấy “thiêu thiếu” điều gì khiến tay chân bứt rứt không yên...
Về phương diện dưỡng sinh, thịt chó chỉ nên dùng để phòng chữa bệnh do dương hư, không nên dùng làm thức ăn bình thường hằng ngày như các loại thịt khác.
Nếu phải ăn để phòng chữa bệnh thì cũng không nên dùng thường xuyên bởi cơ thể con người dương thường dư, âm thường thiếu.
Món thịt chó là đề tài tranh cãi của nhiều người. Người Tây phương chẳng những không ăn thịt chó mà còn không hành hạ chó, họ có hội bảo vệ súc vật.
Nhưng người phương Đông lại thích ăn thịt chó. Thịt chó là loại thực phẩm giàu giá trị dưỡng. Tuy nhiên, khi sử dụng cần kiêng một số loại sau:
Thịt chó kỵ nước chè
Sau khi ăn xong, bạn đừng vội gọi một ấm trà để tráng miệng nhé. Theo Đông y, thịt chó tính ấm nóng, giàu chất đạm mà trà lại vị đắng, tính mát, chứa nhiều cafein và tanin.
Về tính vị hai thứ này đã trái ngược nhau, hơn nữa cafein, tanin và protein(chất đạm) khi gặp nhau sẽ ức chế nhau gây đông vón khó tiêu hóa nên khi ăn, uống cùng nhau sẽ tạo cảm giác ậm ạch, khó tiêu và dễ sinh hơi.
Khi vừa ăn thịt chó thì không nên uống nước trà ngay hay uống nhiều nước chè.
Thịt chó kiêng cá chép
Cá chép tính vị cam có tác dụng hạ thủy khí. Còn thịt chó tính cam ôn có công năng sinh thủy khí và thấp nhiệt. Nếu ăn lẫn dễ sinh chứng hàn, nhiệt và kiết lỵ.
Những người cần tránh ăn thịt chó
Theo Đông y, những người có thể thận âm hư và thể tâm thận bất giao (biểu hiện người gầy, hay bị nóng trong, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đổ mồ hôi trộm, ngủ kém hay mê, miệng khô họng khát, lưng đau gối mỏi, đi tiểu đêm nhiều lần, thích uống nước mát, di tinh, liệt dương) không thích hợp ăn thịt chó.
Thịt chó thuộc tính nhiệt và có tác dụng bổ dưỡng mạnh, sau khi ăn dễ bị cao huyết áp, thậm chí dẫn tới vỡ mạch máu não.
Do đó người có bệnh mạch máu não không nên ăn thịt chó, người bị viêm đại tràng hoặc bệnh nặng mới khỏi cũng không nên ăn./.