Thực tế, nam giới trong độ tuổi từ 20 tới 40 có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với phụ nữ. Sau đây là 7 chứng đau đàn ông không nên bỏ qua.
Có một sự thật mà chúng ta cần đối mặt: rất nhiều đàn ông chết trẻ. Thực tế, nam giới trong độ tuổi từ 20 tới 40 có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với phụ nữ. Lý do lớn nhất là: chúng ta thường phớt lờ những triệu chứng gặp phải, ngay cả triệu chứng chóng mặt hoặc những cơn đau ngực mà không đi khám bác sĩ.
Bệnh đau lưng ở nam giới |
1.Đột ngột bị đau háng
Triệu chứng: Như thể bạn bị đá vào bụng dưới, tuy nhiên cơn đau không mãnh liệt. Đôi khi triệu chứng này thường đi kèm với sưng tấy.
Nguyên nhân: Đây có thể là triệu chứng của bệnh xoắn tinh hoàn. Thông thường, tinh hoàn của một người đàn ông liên kết với cơ thể bằng hai cách: bằng xoắn thừng tinh có cấu trúc giống như sợi dây, hợp bởi ống dẫn tinh và các mô bao quanh từ bụng xuống từng tinh hoàn, hoặc neo thịt.
Đôi khi, do gene di truyền, có người không có neo thịt này. Khi đó, xoắn thừng tinh sẽ xoắn lại, sẽ cản trở lưu thông của máu tới tinh hoàn. Tiến sĩ y khoa Jon Pryor làm việc tại khoa tiết niệu thuộc trường đại học Minnesotacho hay: “Tuy nhiên sau 12 tới 24 giờ, bạn sẽ không thấy đau nữa”.
Có thể có 1 nguyên nhân khác: bạn bị nhiễm trùng mào tinh hoàn.
Cách điều trị: Phẫu thuật có thể làm cho thừng tinh thẳng ra, sau đó cấy neo thịt nhân tạo. Nếu chỉ đơn giản là nhiễm trùng, thuốc kháng sinh chính là một phương pháp hữu hiệu.
2.Đau lưng dữ dội
Triệu chứng: Cơn đau giống như khi bạn vừa cố gắng dọn dẹp xong một tủ quần áo. Khi đó chúng ta thường chườm nóng, nghỉ ngơi, dùng các loại thuốc giảm đau trực tiếp mà không do bác sĩ kê đơn- tuy nhiên cơn đau không hề thuyên giảm.
Nguyên nhân: Tiến sĩ y khoa Sigfried Kra, phó giáo sư tại Trường Y khoa đại học Yale cho biết: “Nếu không liên quan tới vận động, những cơn đau lưng đột ngột và dữ dội có thể là dấu hiệu của chứng phình mạch”. Đặc biệt đáng lo ngại là chứng phình mạch bụng, do động mạch có trương lực yếu và phồng lên ngay phía trên thận. Nếu động mạch vỡ, bạn sẽ chết trong vòng vài phút.
Khả năng ít đe dọa sức khỏe hơn: Bạn bị sỏi thận. Khi đó, cơn đau sẽ dữ dội hơn rất nhiều.
Cách điều trị: Một khi được xác định là mắc chứng phình động mạch thông qua chụp CT, có thể chữa căn bệnh này bằng thuốc huyết áp hoặc giải phẫu cấy ghép nhân tạo.
3.Đau chân hoặc cẳng chân dai dẳng
Triệu chứng: Cơn đau triền miên ở đầu bàn chân hoặc phía trước cẳng chân, và đau hơn khi bạn vận động, thậm chí ngay cả khi bạn nghỉ ngơi. Dùng thuốc giảm đau ibuprofen và acetaminophen không mang lại tác dụng.
Nguyên nhân: Có thể là do nứt xương hoặc gãy xương. Xương cũng giống như các mô khác trong cơ thể, có thể không ngừng tự tái tạo. Tiến sĩ y khoa Andrew Feldman giải thích rằng: “Tuy nhiên nếu bạn đang huấn luyện cường độ cao, xương sẽ không thể tự tái tạo kịp, và hậu quả dẫn đến nứt xương, gãy xương”.
Cách điều trị: Bạn nên dừng tất cả những vận động mạnh cho đến khi vết nứt lành. Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải nghỉ ngơi trong vài tuần.
4.Đau dữ đội tại bụng
Triệu chứng: Hãy dùng phép ẩn dụ: bạn cảm thấy như có một con dao trong ruột, một viên đạn trong bụng, thanh kiếm trong dạ dày- cơn đau này từ bên trong cơ thể, không phải do ngoại vật tác động.
Nguyên nhân: Khoảng giữa xương sườn và hông có quá nhiều các cơ quan, cơn đau có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, viêm tụy, hoặc viêm túi mật. Nguyên nhân của ba trường hợp này giống nhau: Có cơ quan của cơ thể bị chèn, dẫn đến nhiễm trùng, và có nguy cơ tử vong.
Cách điều trị: Theo tiến sĩ Kra, nếu cơn đau xuất hiện tại phần bụng dưới phía bên phải chứng tỏ tế bào bạch cầu trong máu tăng, có thể đó là bệnh viêm ruột thừa. Nếu bị đau ở vùng bụng trên với tỷ lệ bạch cầu trong máu cao, có thể đó là bệnh viêm túi mật. Nếu cơn đau xuất hiện dưới vùng xương ức và các loại enzymes trong máu cao là dấu hiệu của bệnh viêm tuyến tụy (hoặc cũng có thể là bệnh sỏi mật).
5.Thoáng đau ngực
Triệu chứng: Cơn đau ngực đột ngột và dữ dội nhưng qua rất nhanh. Sau đó bạn cảm thấy như chưa hề bị đau.
Nguyên nhân: Đây có thể là dấu hiệu của chứng khó tiêu hoặc đau tim. Tiến sĩ y khoa John Stamatos, giám đốc khoa nội tại North Shore Pain Services tại đảo Long và là tác giả của trang wed Painbuster cho hay: “Mặc dù cơn đau rất ngắn nhưng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe”.
Một cục máu đông nằm ở phần hẹp của động mạch vành, hoàn toàn ngăn chặn sự lưu thông máu tới tim. 50% người chết vì bệnh tim chỉ trong vòng 3 tới 4 giờ sau lần đầu phát bệnh.
Cách điều trị: Xét nghiệm máu để phát hiện các mô tim có vấn đề. Giải phẫu thông động mạch bị tắc.
6.Cẳng chân đau và sưng tấy
Triệu chứng: Bắp chân của bạn bị sưng to và đau đớn khi chạm vào, và thậm chí có thể cảm thấy nóng như thể bắp chân bạn đang được chậm rãi rang lên từ bên trong vậy.
Nguyên nhân: Có thể do chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, còn gọi tắt là DVT, xảy ra khi máu tụ lại tại phần dưới cẳng chân và tạo thành cục máu đông. Khi máu đông đủ lớn sẽ chèn lên tĩnh mạch ở bắp chân, khiến chân bị đau và sưng.
Không may là khi gặp trường hợp trên, phương pháp đầu tiên mà chúng ta thường áp dụng là xoa bóp chân, cách làm này chỉ khiến tình trạng của bạn nặng thêm. Tiến sĩ Stamatos cảnh báo: “Xoa bóp có thể khiến cục máu đông này di chuyển vào phổi, và điều này có thể khiến bạn tử vong”.
Cách điều trị: Bác sĩ sẽ kê thuốc để cục máu đông này tan ra, hoặc dùng thiết bị lọc cho những chỗ tĩnh mạch dễ bị tắc nghẽn để ngăn ngừa máu đông chạy lên phổi trước khi máu đông gây nguy hiểm tới tính mạng.
7.Đau khi đi tiểu
Triệu chứng: Khó đi tiểu và nước tiểu có màu rỉ sắt
Nguyên nhân: Theo tiến sĩ y khoa Joseph A. Smith, chủ nhiệm khoa phẫu thuật tiết niệu của Trường đại học Vanderbilt, trường hợp xấu nhất là bạn bị ung thư bàng quang. Triệu chứng của ung thư bàng quang là khi đi tiểu thấy đau và trong nước tiểu có máu, đây cũng là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư thường gặp ở nam giới.
Nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh ung thư bàng quang là hút thuốc. Nếu phát hiện bệnh sớm, 90% bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi. Bệnh nhiễm khuẩn bàng quang cũng có những triệu chứng tương tự.
Cách điều trị: Các bác sĩ chuẩn đoán căn bệnh này bằng phương pháp loại trừ. Xét nghiệm nước tiểu trước, để loại trừ bệnh, sau đó đưa ống nội soi vào bàng quang qua niệu đạo để soi bàng quang. Nếu phát hiện ra khối u, các bác sĩ sẽ điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị./.
Theo Sức khỏe và Đời sống