Dầu ăn được sử dụng để chiên rán nhiều lần. Ảnh: H.N
Người tiêu dùng hoang mang
Kết luận mới về dầu ăn nói trên được một nhóm các nhà khoa học Trường đại học De Montfort (Anh), rút ra sau 20 năm nghiên cứu. Theo đó, mặc dù mọi loại dầu ăn đều trải qua cùng một phản ứng hóa học khi được đun nóng, nhưng những loại như dầu thực vật (giàu chất béo không bão hòa đa) sẽ sản sinh ra lượng lớn chất aldehyde. Trong khi các loại giàu chất béo không bão hòa đơn tạo ra ít hóa chất độc hại này hơn và những loại dầu, mỡ giàu chất béo bão hòa (như mỡ lợn) sẽ tạo ra ít chất độc nhất.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin việc sử dụng dầu thực vật không đúng cách gây độc hại mà nghiên cứu trên đây đã đưa ra. Thậm chí, nhân viên một siêu thị nhỏ trên phố Định Công (Hà Nội) vẫn khuyên chúng tôi nên mua dầu thực vật dùng để tốt cho sức khỏe. Một số ít các bà mẹ có thời gian đọc tin tức trên mạng nắm được thông tin nhưng nhiều người tỏ ra hoang mang. Chị Phạm Thùy Anh (Gia Lâm, Hà Nội) thắc mắc, trước đây nhiều nhà khoa học nói mỡ động vật không tốt cho sức khỏe, gây bệnh này, bệnh kia. Giờ đọc thấy thế này, em hoang mang quá, chả nhẽ ăn chay vậy? Anh Trung Dũng (số 85, phố Nguyễn Lương Bằng, Hải Dương) cho rằng: “Những kiến thức y khoa một mặt tiến triển theo thời gian và một mặt thay đổi theo thời gian. Có những thứ ban đầu người ta thấy tốt nhưng vài thập kỷ sau lại thấy không tốt và ngược lại. Đó cũng là chuyện bình thường. Nói chung mọi thứ đều tương đối và nên chấp nhận bởi đó là tính hai mặt của cuộc sống”.
Chị Vũ Thụy (TP Hồ Chí Minh) lại tỏ ra băn khoăn, các nhà khoa học bảo dùng dầu thực vật gây ung thư, nhưng dùng mỡ và bơ lại có nhiều cholesterol gây xơ vữa động mạch thì dùng gì để nấu nướng bây giờ? Chị Tuyết Minh (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù có khuyến cáo dùng mỡ động vật không tốt nhưng trước nay chị vẫn dùng mỡ lợn trong bữa ăn hàng ngày. Đơn giản vì chị thích mùi vị ngầy ngậy của nó khi nấu nướng. Chị Tuyết Minh cho hay kể từ nay, chắc gia đình chị vẫn dùng song song hai loại: Dầu thực vật và mỡ động vật. Còn chị Thùy Dương (Hà Giang) cũng cho biết: “Em thấy gia đình bác em ở Hà Nội rất cầu kì, khi ăn thì chỉ ăn thịt nạc, không bao giờ ăn mỡ. Với gia đình em, trước giờ em vẫn mua dầu thực vật nhưng khi có lợn ngon, em vẫn mua mỡ để làm một số món. Đặc biệt hai đứa con, em đều cho ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật do thịt lợn ở đây vẫn còn ít độc hại hơn ở các thành phố lớn”.
Trẻ em, người trung niên nên ăn thêm chút mỡ
Giáo sư Martin Grootveld đến từ Đại học De Montfort (Anh), thành viên của nhóm nghiên cứu trên đây cho biết, việc chế biến món cá với dầu ngô hoặc dầu hướng dương chứa lượng aldehyde độc hại cao gấp hơn 200 lần so với ngưỡng giới hạn an toàn hàng ngày theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số nhà khoa học khác cũng khẳng định, nếu sử dụng dầu ăn lâu dài sẽ xuất hiện triệu chứng tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng. Trong khi đó, mỡ động vật có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Các axit béo no trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ hệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng các xuất huyết não. Mỡ động vật cũng tham gia tạo nên màng tế bào thần kinh, tham gia vào một số men chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt là nội tiết tố sinh dục, tuyến thượng thận...
Theo lời khuyên của BS thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với trẻ em đang tuổi lớn và người ở tuổi trung niên nên ăn thịt, cá có thêm một chút mỡ. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì cơ thể sẽ bị suy yếu. Tốt nhất trong thực đơn, cần phải kết hợp sử dụng cả dầu ăn và mỡ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách Khoa (Hà Nội), dầu ăn thường được sản xuất từ tinh dầu của các loại thực vật như lạc, mè, đỗ, ô liu hay các loại mỡ động vật như lợn, gà, bò... Các loại dầu này được đăng ký và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý thực phẩm y tế. Tuy nhiên, một số nơi đang bán các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu dùng dầu thực vật chiên rán ở nhiệt độ cao trên 1800C sẽ sinh ra những chất gây hại như: Andehit, chất oxy hóa… những chất có liên quan đến ung thư, tim mạch và mất trí nhớ. Vì thế, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn dầu thực vật.
Cách phát hiện dầu ăn “bẩn”
Dầu ăn chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu, không ôi, không hôi, không khê, không khét, không có mùi lạ, mùi khó chịu gì khác. Khi nếm, dầu tốt có hương vị bình thường, không chát, không đắng, không chua. Nếu dầu có phẩm chất cao, hàm lượng nước và tạp chất có rất ít thì sẽ trong suốt. Nếu không trong suốt thì tùy theo độ đục nhiều hay ít, ta có thể đánh giá được phẩm chất dầu thấp hay cao, có hàm lượng nước và tạp chất nhiều hay ít. Để phát hiện pha trộn thêm chất có tinh bột vào dầu ăn, lấy một ít dầu, nhỏ thêm mấy giọt iod vào, sẽ thấy dầu xuất hiện màu xanh lam.
Hạnh Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/de-mang-benh-vi-dung-dau-thuc-vat-sai-cach-20151125111904528.htm