Khế là loại quả lý tưởng cho những ai muốn giảm cân mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng, lại có làn da đẹp mịn màng trẻ trung, tránh táo bón.
ảnh minh họa
Quả khế rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Theo Đông y, quả khế gọi là ngũ liễm tử có vị chua chát, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, thanh nhiệt, giải uế, giúp làm lành vết thương.
Quả khế chứa dồi dào vitamin C, vitamin A và các khoáng chất khác nên rất thích hợp cho việc làm thức uống giải khát và bồi bổ sức khỏe.
Từ lâu, quả khế đã được dùng rộng rãi trên thế giới để chữa cháy nắng, chữa ho, sốt, đau họng, bệnh eczema.
Lá cây khế cũng được dùng để trị viêm loét dạ dày, viêm da có mủ, ung nhọt, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Hoa khế dùng để trị ho cho trẻ em rất tốt.
Giảm cân hiệu quả
Mỗi quả khế trung bình chỉ chứa khoảng 30 calo nhưng lại chứa rất nhiều chất xơ, vitamin C, chất chống oxy hóa và flavonoids.
Do đó khế là loại quả lý tưởng cho những ai muốn giảm cân mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng, lại có làn da đẹp mịn màng trẻ trung, tránh táo bón.
Khế giảm đau, hạ sốt, chữa sưng lợi, hết lở miệng
Theo Health, ở nhiều quốc gia, người dân thường dùng quả và lá khế chế biến món ăn hoặc ăn sống vừa ngon lại vừa có lợi cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, ăn một quả khế mỗi ngày sẽ cung cấp 1/3 lượng vitammin C cần thiết cho cơ thể.
Loại trái này còn có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, hạ sốt. Đặc biệt trong mùa hè, uống nước ép khế giúp giải khát tốt đồng thời chữa sưng lợi, hết lở miệng.
Chữa rụng tóc, kiểm soát nhịp tim
Ăn khế cũng rất có lợi với những người bị rụng tóc do có chứa hàm lượng vitamin nhóm B cao, cần thiết cho sự tăng trưởng của tóc.
Khế cũng chứa một lượng nhỏ các khoáng chất kali, phốt pho, kẽm và sắt có tác dụng kiểm soát nhịp tim và huyết áp.
Uống nước ép khế thường xuyên cũng là cách làm hay để hạ sốt, trị nhức đầu, giải rượu, bia, chống táo bón, lợi tiểu và trị các bệnh về gan.
Quả khế còn được khuyên dùng cho các bà mẹ đang cho con bú vì khế giúp kích thích sữa về nhiều hơn.
Một số bài thuốc hay từ lá, hoa, quả khế
Bị sưng đau: Lấy lá khế tươi, giã nát đắp lên vết thương. Nếu bị nổi mề đay, lấy lá khế tươi rang để xát lên sẽ làm cho các vết mề đay lặn dần.
Ho khan, có đàm: Lấy ít hoa khế, phơi cho héo, tẩm nước gừng đặc rồi sao lên cho vào lọ thủy tinh để dành. Mỗi ngày lấy một ít hoa khế đã sao pha với nước nóng uống như trà.
Cảm nắng: 20 g lá khế tươi và 10 g lá chanh cho vào cối giã nát, lọc lấy nước cốt uống.
Đau bụng, tiêu chảy: Ăn quả khế ngâm với đường sẽ giúp giảm triệu chứng.
Sinh tố giải nhiệt: 50 g thịt quả khế xắt miếng, 1,5 muỗng cà phên ước cốt chanh, một muỗng canh đường đỏ, ít muối, nước sôi để nguội, đá viên.
Cho tất cả vào máy xay cho nhuyễn rồi trút ra ly uống. Món sinh tố này đúng nghĩa "ngon, bổ, rẻ" lại giúp giải nhiệt.
Lưu ý: các bệnh nhân về thận không nên ăn khế vì khế chứa nhiều axit oxalic gây bất lợi cho những quả thận yếu ớt.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể không thích hợp để ăn khế là sau khi ăn khế từ 1-5 giờ, cơ thể cảm thấy buồn nôn, ói mửa, nấc cụt và mất ngủ