Vừng đen (miền Nam gọi là mè đen) là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt.
Các chuyên gia thực phẩm cho rằng, ăn những thực phẩm có màu đen như vừng đen, đỗ đen, gà ác, gạo cẩm... có thể điều tiết khả năng sinh lý của con người, kích thích hệ thống bài tiết tiêu hóa, tuần hoàn làm tăng lượng hồng cầu, da dẻ hồng hào, tóc đen trở lại và kéo dài tuổi thọ.
Cũng trên báo Sức khỏe đời sống, Lương y Hoàng Duy Tân cho biết, để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy hạt vừng đen 20 - 30g sao cháy, giã đắp hàng ngày. Đặc biệt, vừng đen còn tốt cho thận, gan, hệ tiêu hóa và có tác dụng giảm cholesterol trong cơ thể. Vừng đen chứa hàm lượng licethin, vitamin E, canxi, protein, sắt... phong phú. Đặc biệt hàm lượng vitamin E trong vừng đen rất cao, không chỉ giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa chất béo gây hại cho cơ thể, mà còn có tác dụng chống lão hóa, phòng ngừa xơ cứng động mạch.
Trong những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, hạt vừng chứa khoảng 40-60% dầu, 22% chất đạm, ngoài ra còn có đồng, canxi oxalat.
Sau đây là các bài thuốc từ vừng đen:
Chữa tóc xấu, khô, không đen mượt: Có thể dùng một trong hai cách sau:
- Lấy 40g dầu vừng nấu với một nắm lá dâu tươi, khi dầu sôi kỹ, lá dâu chín nhừ vớt bỏ lá dâu, lấy dầu này sát lên tóc và da đầu, kiên trì hàng ngày sẽ thấy tóc mọc dài, đen mượt rất đẹp.
- Lấy một nắm lá vừng, một nắm lá dâu và 40g nước gạo cho vào siêu nấu lên, dùng nước này gội đầu, sau 7 lần gội sẽ hiệu quả.
Thuốc an thần, gây ngủ: hạt vừng đen 40g rang chín; hạt đỗ đen 40g sao; hạt muồng 20g sao; lá vông 40g; lá dâu non 40g, lạc tiên 20g, vỏ núc nác 12g sao với rượu. Tất cả làm khô, giã nhỏ, rây bột mịn, thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.
Chè vừng đen nấu với hạt sen là món ăn vị thuốc an thần thông dụng của nhân dân ta cũng một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Chữa táo bón do trương lực cơ giảm: vừng đen 12g, đảng sâm 16g; bạch truật, sài hồ, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc vừng đen 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, sài hồ, thăng ma, mỗi vị 12g; đương quy, nhục thung dung, bá tử nhân, mỗi vị 8g; trần bì, cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa bỏng: Lấy dầu vừng hay nhai vừng đen sống, đắp vào nơi bỏng rất hiệu nghiệm, chóng lên da non.
Chữa kiết lỵ mới phát: Ăn sống vừng đen mỗi ngày 30 g. Ăn trong 3 ngày.
Chữa điên cuồng: Theo Nam dược thần hiệu, lấy dầu vừng 160g, rượu 1 bát, cho hòa lẫn rồi đun lên; lấy 20 cành dương liễu, dùng từng cành khuấy 2 lần vòng tròn, đến khi thấy rượu và dầu vừng còn lại 8/10 cho người bệnh uống để có thể nôn ra và ngủ say, đừng đánh thức, cứ để ngủ yên, đợi khi thức dậy sẽ tỉnh.
Chữa cơ thể suy nhược: Vừng đen 100g, lá dâu non 100g. Vừng đen rang, lá dâu non đồ chín, sấy khô; tất cả tán thành bột, luyện với mật ong làm viên. Ngày uống 10 – 20g./.