|
Trẻ ăn nhiều những thức ăn chiên (rán) sẽ gây béo phì và mắc các bệnh về tim mạch. Ảnh: Thành Vinh
|
Những thực phẩm không nên ăn nhiều
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất béo xấu có trong đồ ăn nhanh là một loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại cho sức khỏe con người. Nếu ăn trung bình khoảng 3,6g chất béo xấu/ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch tới 3 lần so với mức 2,5g/ngày.
Những thực phẩm có nhiều chất béo xấu gồm: Mì ăn liền (dùng công nghệ chiên); Các loại bánh ngọt, kẹo, bánh biscuit, cookies, cracker, bánh Donut, bánh trung thu…; Thức ăn chiên bán trong tiệm như khoai tây chiên, gà rán; Các loại margarine cứng; Các thỏi bánh ngọt; Các loại thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao.
Để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho trẻ phát triển khỏe mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi bữa ăn cho trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) với 15 loại thực phẩm phối hợp khác nhau. Tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin như: B6, B12, acid folic, dầu cá, viên tỏi, sữa bột, đậu tương... Hạn chế các đồ ăn sẵn như: Khoai tây chiên, gà rán hoặc thức ăn chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao.
|
Cũng theo TS Nguyễn Thị Lâm, hàm lượng chất béo xấu có nhiều nhất trong khoai tây chiên (8g/100g), tiếp đến là bánh Donut (5g/100g), bánh margarine (3g/100g), kẹo thanh (3g/100g) và sau cùng là bánh quy giòn và bánh bao giòn (2g/100g). Như vậy, nếu một ngày bé chỉ cần ăn 100g khoai tây chiên thì đã thừa đến quá 2/3 số lượng chất béo xấu cho phép trong cơ thể.
Không chỉ cung cấp nhiều chất béo và cholesterol, nhiều loại thức ăn nhanh còn có chỉ số đường huyết cao (chỉ số chuyển hóa carbonhydrat thành glucose đưa vào máu) như các loại bánh được làm từ bột mì trắng, khoai tây rán, các loại nước ngọt có gas (là những thành phần có trong khẩu phần của đồ ăn nhanh).
Khi dùng các loại thức ăn trên sẽ làm lượng đường tăng nhanh trong máu, khiến tuyến tụy phải tiết nhiều insulin để giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng, do tuyến tụy luôn phải hoạt động quá nhiều sẽ bị suy giảm chức năng, dẫn đến đái tháo đường týp 2. Bệnh này trước đây chỉ gặp ở người lớn, nay đã gặp ở trẻ em và những trẻ em mập có nguy cơ mắc cao hơn.
Không chỉ có chất béo xấu, những loại thực phẩm công nghiệp như: Thịt nguội, hot dog, thịt xông khói, lạp xường, gà rán... là những thành phần sử dụng trong các cửa hàng bán đồ ăn nhanh đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản. Nếu sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, sẽ đưa vào cơ thể lượng muối và chất bảo quản cao dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, nước Mỹ được coi là một trong những nơi sử dụng đồ ăn nhanh phổ biến nhất thế giới cũng đã lên tiếng cảnh báo về đồ ăn nhanh gây nguy hại cho sức khỏe trẻ em. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ, có tới 1.115 loại đồ ăn sẵn cho trẻ không ghi hàm lượng natri trên nhãn sản phẩm.
Tại cuộc họp của Hội Tim mạch Hoa Kỳ tổ chức ngày 28/3 vừa qua, bà Joyce Maalouf - làm việc tại bộ phận CDC về bệnh tim mạch và phòng ngừa đột quỵ cho biết: “Thật không may những sản phẩm cho trẻ em từ 1-3 tuổi như bim bim lại chứa hàm lượng natri cao hơn là sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh. Hấp thụ quá nhiều muối- cấu tạo chủ yếu từ natri dẫn tới cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ”.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, lượng natri hấp thụ nên ít hơn 1.500mg/ngày, nhưng một số sản phẩm đã chứa tới 630mg - tương đương 40% trong tổng lượng natri nói trên.
Trẻ nào không nên sử dụng đồ ăn nhanh?
Với trẻ có sức khỏe bình thường, đồ ăn nhanh cũng đã khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Với những trẻ mắc bệnh tim thì càng không nên sử dụng đồ ăn nhanh bởi chúng có khả năng khiến trẻ đột quỵ.
Giải thích rõ về điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì chỉ nên giới hạn sự tiêu thụ chất béo xấu ở mức dưới 3g/ngày. Nhưng tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về hàm lượng chất béo xấu và cũng chưa có quy định về hàm lượng chất béo xấu buộc phải ghi trên nhãn mác. Bởi vậy, bạn rất khó để lựa chọn cho trẻ những thực phẩm không chứa hoặc chứa ít hàm lượng chất béo xấu.
Chất béo xấu khi vào cơ thể sẽ không thể chuyển hóa mà đọng lại làm tăng cholesterol xấu trong máu, do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất béo xấu này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bị bịt kín khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, chỉ cần tăng 2% năng lượng từ chất béo xấu sẽ dẫn tới tăng 23% nguy cơ mắc bệnh mạch vành; tăng 1,39 lần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chất béo xấu còn gây khởi phát quá trình viêm, suy giảm chức năng tế bào nội mạc và tăng 1,47% nguy cơ đột tử (ở cả người lớn).
Bảo Châu
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/an-100g-khoai-tay-chien-moi-ngay-nguy-co-tre-mac-benh-tim-tang-gap-3-lan-20140402101651950.htm