Tâm huyết với nghề, ông không ngần ngại chia sẻ bài thuốc quý cho tất cả những bệnh nhân có nhu cầu chữa bệnh.
Bài thuốc tự bào chế
Tâm sự với chúng tôi về những phương thuốc tâm đắc trong chữa trị bệnh Gout, Lương y Tá chia sẻ: “Trên thực tế, nhiều bệnh nhân kiên trì điều trị nên đã khỏi hẳn, hoặc bệnh có thuyên giảm rất nhiều. Thuốc Đông y không thể hôm nay uống ngày mai khỏe ngay, mà còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Bởi vậy, để thuốc có tác dụng người bệnh cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc và không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc giảm đau khớp nào, khi chưa có sự tư vấn từ những người trong ngành y. Tôi chia sẻ bài thuốc này với mong muốn giúp bệnh nhân sớm phục hồi, thoát khỏi những cơn đau do bệnh Gout cấp hành hạ”.
Trước khi chia sẻ về bài thuốc chữa bệnh Gout, Lương y Phạm Như Tá (Hội viên Hội Đông y Việt Nam) thẳng thắn cho biết, thuốc Đông y luôn cho tác dụng “chậm mà chắc”, bởi vậy đòi hỏi bệnh nhân điều trị phải kiên trì. Hơn nữa, bệnh nhân mắc bệnh này cần xác định tư tưởng sống chung với nó một thời gian khá dài. Trong Đông y, Gout còn được gọi là bệnh Thống phong, đây là một bệnh tăng acid uric huyết thanh với những biểu hiện đau khớp cấp. Lượng acid uric huyết tăng do tăng sản xuất lượng acid uric, hoặc do thận đào thải kém, có khi do cả hai.
“Theo y học cổ truyền, Thống phong là do ngoại tà xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại khớp gây đau và co duỗi khó khăn. Bắt đầu bệnh còn ở cơ biểu kinh lạc, bệnh lâu, tà khí vào gân xương gây tổn thương tạng phủ, chức năng của khí huyết tân dịch rối loạn, tân dịch ứ trệ thành đàm, khí huyết ngưng trệ thành ứ, đàm ứ kết mà thành các u cục to phì quanh khớp, dưới da. Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn thương đến can thận, làm biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần”, lương y Phạm Như Tá cho biết.
Với cương vị là một thầy thuốc điều trị bằng Đông y, lương y Tá cho rằng, trong y văn cổ không có ghi chứng Gout nhưng có chứng Thống phong là chỉ chứng Thống tý lâu ngày khó khỏi. Vì thế, bệnh Thống phong có thể quy vào thuộc phạm trù chứng Tý trong Đông y. “Để trị bệnh có hiệu quả, tôi bào chế ra những bài thuốc phù hợp với các triệu chứng của bệnh. Đối với “căn bệnh nhà giàu” này, có hai triệu chứng lâm sàng là cấp tính và mãn tính. Phép điều trị của tôi là chú ý đến giai đoạn phát triển của bệnh”, Lương y cho hay. Đúc rút kinh nghiệm trong nhiều năm, ông còn phân tích khá tường tận về các triệu chứng của bệnh, ông cho rằng ở thể cấp tính bệnh nhân sẽ có những cơn đau sưng tấy dữ dội đột ngột ở khớp bàn chân, ngón cái. Ngoài ra, cũng có thể ở các vị trí khác như ngón chân khác, cổ chân, gối… khiến khớp đỏ xẩm, ấn đau nhiều, khớp hoạt động hạn chế, kéo dài 2, 3 ngày hoặc 5, 6 ngày rồi khỏi không để lại di chứng, nhưng cũng rất dễ tái phát.
Tuy nhiên đối với thể mãn tính thì bệnh trầm trọng hơn bởi thường do bệnh cấp tính chuyển thành với biểu hiện như viêm khớp mạn tính, tái phát nhiều, thời gian ổn định rút ngắn. Khớp đau kéo dài, tại khớp có các triệu chứng như sưng nóng đỏ, co duỗi khó khăn, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, dưới da, vành tai mềm, trong chứa một chất trắng như phấn. Bệnh tiến triển lâu ngày sẽ gây tổn thương thận như làm viêm thận, sạn tiết niệu, tiểu máu, suy thận cấp và mạn. “Đối với thể cấp tính, tôi chủ yếu dùng phép thanh nhiệt thông lạc khu phong trừ thấp. Tuy nhiên ở thể mạn tính thường kèm theo đàm thấp, ứ huyết, hàn ngưng nên tùy chứng bệnh mà dùng các phép hóa đàm, trừ thấp, hoạt huyết thông lạc, ôn kinh, tán hàn. Đồng thời, trong quá trình chữa bệnh tôi chú ý đến mức độ hư tổn của âm dương, khí huyết, can thận mà bồi bổ thích hợp”, ông chia sẻ.
Cũng theo lời Lương y Phạm Như Tá, bệnh nhân đến tôi chữa trị đa phần tình trạng bệnh đã chuyển sang thể mãn tính. “Tôi nhớ có một trường hợp bệnh nhân nam ở Quảng Nam đến chữa trị, với các triệu chứng khớp đau nhức, chân không xỏ được giày vì thế việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài uống thuốc kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý, chỗ sưng khớp của bệnh nhân đã đỡ hơn và việc đi lại cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị Gout mãn tính nếu không sử dụng thuốc thường xuyên sẽ rất dễ bị tái phát, bởi vậy cần uống thuốc nhưng lưu lượng ít hơn”, Lương y Phạm Như Tá nói và cho biết thêm, bệnh nhân điều trị Gout cần tuyệt đối kiêng ăn những thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao, các thực phẩm giàu chất béo no gây nguy cơ mắc bệnh như nội tạng động vật, thịt chó, hải sản, thịt bò, trứng gia cầm, thức ăn nhanh, đồ chiên, quay… Tuyệt đối không uống chất có cồn, nước ngọt. Ngoài ra, để khí huyết lưu thông người bệnh cần có chế độ ăn nhiều rau quả, tăng cường uống nước để bài tiết axit uric, tránh để tinh thần căng thẳng và vận động những động tác nhẹ nhàng.
Kim ngân, vị thuốc dễ tìm được lương y Tá sử dụng chủ yếu trong mỗi bài thuốc.
Đông y - phép trị quan trọng chữa bệnh Gout
Bài thuốc chữa trị bệnh Gout của Lương y Phạm Như Tá được bào chế theo ba cấp bệnh để phù hợp từng thể trạng của bệnh. Đối với thể cấp tính: Biểu hiện chính là thể phong thấp nhiệt, đột ngột khớp ngón cái (thường gặp nhưng cũng có thể các khớp nhỏ khác) sưng nóng đỏ đau kèm theo sốt, đau đầu, sợ lạnh hoặc bứt rứt, khát nước, miệng khô, tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn, mạch Sác. Phương thức điều trị: Thanh nhiệt, thông lạc, khu phong, trừ thấp với các vị thuốc: thạch cao 40- 60g, tri mẫu 12g, quế chi 4-6g, bạch thược, xích thược đều 12g, dây kim ngân 20-30g, phòng kỷ 10g, mộc thông, hải đồng bì đều 10g, cam thảo 5-10g, sắc uống ngày l thang trong thời gian sưng đỏ nóng sốt. Trường hợp thấp nhiệt nặng, sưng tấy đau nhiều thì gia thêm vị thuốc kim ngân 40- 50g, thổ phục linh, ý dĩ (tăng trừ thấp) hoặc gia thêm vị thuốc hoạt huyết như toàn đương qui, đan sâm, trạch lan, đào nhân, hồng hoa, tằm sa để hóa ứ chỉ thống. Trường hợp có biến chứng thêm quế chi, độc hoạt, tế tân để giải biểu, tán hàn chỉ thống.
Đối với thể mạn tính: Nhiều khớp sưng to đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không đỏ nóng rõ nhưng đau nhiều, dị dạng kèm theo tê dại, da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, lưỡi nhợt, rêu trắng là triệu chứng của hàn thấp ứ trệ. Điều trị trong Đông y có tác dụng khu hàn, thông lạc, trừ thấp, chỉ thống. Lương y Tá sử dụng 10 vị: chế ô đầu, tế tân 4 - 5g, toàn đương qui 12g, xích thược 12g, uy linh tiên 10g, thổ phục linh 16g, tỳ giải 12g, ý dĩ nhân 20g, mộc thông 10g, quế chi 4- 6g được dùng sắc uống. Trong trường hợp sưng đau nhiều khớp cứng, rêu lưỡi trắng bẩn dày là triệu chứng đàm trọc ứ trệ, thêm các vị cương tàm, xuyên sơn giáp, tạo thích, hy thiêm thảo, hải đồng bì nhằm tăng tác dụng hoạt lạc, trừ đàm. Đau nhiều do huyết ứ thêm 3 vị: ngô công, toàn yết, sao diên hồ sách để hoạt huyết chỉ thống. Trường hợp thận dương hư, liệt dương, đau mỏi lưng gối, chân tay lạnh, sợ lạnh, lưỡi bệu thì thêm các vị: bổ cốt chỉ, nhục thung dung, cốt toái bổ để bổ thận kiện cốt định thống. Nếu có triệu chứng khí huyết hư thêm vị hoàng kỳ, đương qui, nhân sâm, bạch truật…
Ngoài ra, Lương y Phạm Như Tá còn cho biết thêm, trên lâm sàng thường gặp các triệu chứng khác của bệnh Gout mà Đông y gọi là “Thấp nhiệt uẩn kết” tức các khớp sưng đỏ, đau và nóng, táo bón, thường cảm thấy khát, đi nước tiểu vàng hoặc đỏ, đau đầu, lên cơn sốt, sợ lạnh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhạt. Trong trường hợp này, ông có bài thuốc sắc uống gia giảm từ các vị đương quy, bạch truật, đảng sâm, hoàng cầm đều 10g, thương truật, trư linh, trạch tả, phòng kỷ đều 12g, long đởm thảo (sao), khổ sâm, tri mẫu, thăng ma đều 6g, ýdĩ nhân (sống), xích tiểu đậu đều 15g. Cũng có trường hợp bệnh nhân Gout có chứng đờm ngưng trở lạc do nhiều đờm ẩm gây nên, các khớp nặng, cử động khó khăn, khớp mềm hoặc cứng, có khi sốt cao, đầu đau, lo sợ, chất lưỡi đỏ, ít rêu. Ở triệu chứng này, ông chia sẻ bài thuốc sắc uống hàng ngày gồm các vị đương quy, xích thược, đào nhân, mộc qua đều 10g, hồng hoa, uy linh tiên, xuyên khung đều 6g, dã xích đậu, triết bối mẫu đều 12g, ty qua lạc, tạo giác thích, giáp châu đều 4,5g.
Không những vậy, khi mang trong mình căn bệnh “nhà giàu” này, bệnh nhân còn có thể mắc chứng phong thấp hàn, huyết ứ: Bệnh phát cấp, khớp đau cứng một chỗ, lạnh thì đau nhiều, gặp ấm, nóng thì dễ chịu hơn, có thể bị biến dạng khớp và cứng khớp, khó cử động. Dù sưng nhưng không thấy nóng, đỏ, lưỡi trắng mỏng. Trong trường hợ này, dùng bài thuốc Đông y 4 vị gồm kê huyết đằng, nhẫn đông đằng đều 50g, thương truật, kinh giới huệ đem sắc uống mỗi ngày.
Khôi Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/ba-bai-thuoc-lien-hoan-tu-thao-duoc-giup-tri-hieu-qua-can-benh-cua-nha-giau-20150904161838806.htm