Nấu cháo bằng nồi cơm điện
Cháo tôm nấu cho bé bằng nồi cơm điện.
Đầu tiên, vo gạo như nấu cơm thông thường. Vì nấu cháo nên bạn lưu ý giảm bớt lượng gạo và tăng lượng nước, chú ý đến thể tích của nồi, không nên cho quá nhiều, tránh tình trạng bị trào nước lúc sôi.
Vậy là bạn chỉ việc cắm nồi cơm điện, để ở chế độ “Cook” (nấu) và có thể đi làm việc khác. Nồi cơm điện sẽ luôn ở chế độ Cook khi nước chưa cạn khô, gạo sẽ được hầm nhừ sau khoảng 45-60 phút.
Nếu muốn cho thêm đỗ xanh, xương, thịt băm... vào cháo, bạn có thể cho các nguyên liệu này vào cùng lúc với gạo. Hoặc một cách khác là nấu cháo trắng, các thức ăn kèm theo như cá, tôm, thịt có thể làm chín ở ngoài, đến lúc ăn thì cho vào cháo. Có thể cắm điện nồi cháo thêm vài ba phút, hoặc ăn ngay tùy các loại thực phẩm ăn kèm.
Nấu cháo bằng phích nước nóng
Nên chọn loại phích thấp, để việc tráng rửa dễ dàng hơn - Ảnh: rediff
Gạo vo sạch, cho vào phích nước rồi đổ nước vừa đun sôi vào. Để qua đêm hoặc ít nhất 6 giờ đồng hồ, bạn sẽ có những hạt gạo nát nhừ.
Để thuận tiện cho việc rửa phích, bạn chỉ nên nấu cháo trắng. Khi chuẩn bị ăn, đổ cháo trắng ra nồi, cho các thực phẩm ăn kèm (rau, tôm, thịt, cá… ) lên bếp đảo qua trong khoảng vài phút.
Ưu điểm: Cả hai phương pháp này đều tiết kiệm cho bạn đáng kể thời gian đứng cạnh nồi, quấy cháo hoặc giã gạo. Đặc biệt, cách nấu này cũng phù hợp khi bạn chỉ nấu một lượng nhỏ (nấu một bát nhỏ cho bé ăn buổi sáng hoặc một tô cho người ốm), cháo hoàn toàn không bị dính vào nồi cơm điện (chống dính) hay dính vào thành phích.
Theo Kim Anh/VnExpress
Nguồn giadinh,.net.vn
http://giadinh.net.vn/an/meo-nau-chao-khi-ban-khong-co-thoi-gian-20150904092523521.htm