Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến mồ hôi, điều trị tại BV Ung bướu. Bệnh lạ, ít người biết nên đây cũng là điều nguy hiểm khi nhiều người mắc bệnh mà không hề biết để có hướng điều trị kịp thời.
Đây là một loại bệnh do sự phát triển quá mức và mất kiểm soát của tuyến mồ hôi. Điều nguy hiểm là bệnh có khả năng xâm lấn ra các mô xung quanh và di căn rất nhanh đến hạch bạch huyết, làm tổn thương bất cứ bộ phận nào.
Người bệnh thường bị tổn thương hạch vùng nách, cổ… Đây cũng là triệu chứng chính khiến các bệnh nhân đi khám và điều trị. Giai đoạn đầu - khi mới nổi khối u - thường khó phát hiện và chẩn đoán.
Đến khi ở những nơi này có hiện tượng chảy máu, tiết dịch, triệu chứng mới rõ ràng hơn. Ung thư tuyến mồ hôi thường khó được chẩn đoán hay chẩn đoán không đúng nếu chỉ dựa vào lâm sàng, và phải xác định qua mẫu mô sinh thiết từ bướu hay hạch di căn.
Kết quả từ một số khảo sát cho thấy, nếu chưa có hạch di căn, chưa gây bệnh cho các cơ quan khác, khoảng 56% bệnh nhân có khả năng sống thêm chừng 10 năm. Nếu bệnh đã di căn hạch hoặc xâm lấn đến các cơ quan khác trong cơ thể, tỷ lệ sống sót chỉ còn 9%.
Những dấu hiệu để nghi ngờ
- Mặt: 48%
- Vùng thân mình: 17,4%
- Các chi: 19%
- Da đầu và cổ: 14%
Giai đoạn này thường khó phát hiện và chẩn đoán. Khối u phát triển chậm rồi đột ngột gia tăng kích thước, xâm lấn vào cấu trúc xung quanh da, di căn vào xương, phổi. Hiếm khi thấy di căn vào não, thận. Những khối u này thường có hình tròn, cứng, rời rạc hoặc dính chùm với nhau, có thể gây đau nhức hoặc không.
Hầu hết các trường hợp bệnh được ghi nhận tại Việt Nam trong khoảng 10 năm qua đều có điểm chung: xuất hiện khối u trong da, ở vị trí cẳng chân, đùi phải hoặc đùi trái và vai cánh tay.
Vì sao mắc bệnh?
Dựa vào một số tài liệu và từ thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy, ung thư tuyến mồ hôi xuất phát từ những cấu trúc ở phần phụ của da, không có hình ảnh đặc trưng để giúp cho việc xác định chẩn đoán.
Một số nguyên nhân gây bệnh nằm trong danh sách bị nghi ngờ là tình trạng phơi nhiễm bởi tia cực tím, suy giảm miễn dịch ở những người tiếp xúc quá nhiều với nắng. Bức xạ tia cực tím giữ vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh.
Đây là lý do vì sao những người da sậm màu có tỷ lệ mắc bệnh ít hơn. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị khớp và kháng viêm nếu sử dụng dài ngày cũng sẽ góp phần làm gia tăng tỷ lệ ung thư tuyến mồ hôi.
Điều trị bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dùng các phương tiện hình ảnh như siêu âm, X-quang để tìm những tổn thương di căn đến gan, phổi hay xương - những vị trí thường bị di căn nhất. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt rộng, kèm xử lý hạch khi có di căn.
Tuy nhiên, khả năng tái phát bệnh khá cao nên khó có thể tiên lượng chắc chắn điều gì sẽ xảy ra sau đó. Phương pháp chọc hút tế bào từ mô bướu hay hạch, hoặc mổ lấy mẫu sinh thiết sẽ mang lại kết quả mô học chắc chắn.
Việc phẫu thuật loại bỏ khối u ngay từ giai đoạn đầu đã đi đôi với trị liệu, xạ trị liệu - được xem là phác đồ điều trị hiệu quả nhất - nhưng nguy cơ tử vong vẫn cao vì khả năng tái phát đến 45-59%.
Theo BS Bùi Chí Viết, không chỉ toàn bộ khối mô tổn thương bất thường được loại bỏ mà bờ của bệnh phẩm cũng phải được xét nghiệm cẩn thận để xác định chắc chắn mô ác tính đã thực sự được loại bỏ hay chưa.
Nếu ung thư di căn đến các vị trí quan trọng khác trong cơ thể thì phẫu thuật trong giai đoạn này chỉ mang tính “chữa cháy”, nếu không muốn nói là vô nghĩa.
Phòng tránh được không?
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến mồ hôi, cần rèn luyện cơ bắp thường xuyên và hạn chế tiếp xúc quá nhiều với nắng; giảm hấp thụ bức xạ bằng cách mặc quần áo sáng màu khi đi dưới trời nắng.
Ngoài ra, cần tránh các yếu tố gây viêm nhiễm cho da, lưu ý vấn đề vệ sinh cơ thể vì lớp da luôn được tạo mới để đảm bảo chức năng bài tiết.
Cuối cùng, đây là căn bệnh hiếm nhưng không chừa bất cứ ai. Do đó, cần đi khám đúng nơi có chuyên môn ngay khi thấy những dấu hiệu đáng ngờ.