Làm theo sự chỉ dẫn của nhiều tiểu thương, PV Dân trí đã đi tìm mua loại bột và nước tạo mùi hương bò. Các loại phụ gia này được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội.
Hương liệu tạo mùi bò được đựng trong một chai nhựa trắng có giá là 320 nghìn đồng/ lít. Được người bán giới thiệu là có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng nhãn mác lại không hề ghi hạn sử dụng hay ngày tháng sản xuất.
Tiếp tục đi đến một cửa hàng khác, PV cũng dễ dàng tìm được một loại phụ gia tạo hương bò dạng bột có giá là 350.000 đồng/một gói.
Dễ mua, dễ sử dụng các loại phụ gia này được xem như “thần chú” để hô biến những những miếng thịt để lâu trở nên có hương vị hấp dẫn, không khác mùi vị thịt bò xịn là bao. Đây cũng chính là bí quyết tạo mùi cho nước dùng tại các quán phở bò, quán cơm bình dân.
Để thử nghiệm về tác dụng thật sự của loại phụ gia này, phóng viên Dân trí đã tiến hành thử nghiệm đối với một miếng thịt bò để lâu ngày. Sau khi tẩy mùi, dùng ít dung dịch phụ gia tưới lên miếng thịt đồng thời sử dụng tiết bò để tạo màu. Ngay lập tức miếng thịt trở nên tươi ngon bắt mắt đồng thời mùi vị cũng không khác gì thịt bò hảo hạng.
Với công nghệ tân trang, phù phép bằng các loại hóa chất, phụ gia tạo màu, mùi như hiện nay, người tiêu dùng thật khó để có thể phân biệt và chọn lựa được thực phẩm an toàn và chất lượng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Hồng Điệp, Viện Dinh dưỡng quốc gia, để phân biệt thịt bò ôi đã được tẩm ướp hoá chất và thịt bò tươi nếu tinh mắt thực tế không quá khó, có thể dựa trên một số đặc điểm sau:
Thịt bò thật sẽ có màu đỏ au, thớ nhỏ, mỡ vàng, tươi màu hồng đậm và mùi hoi nồng đặc trưng, gân màu trắng và cứng khi ấn vào. Bề mặt khô, mịn, ráo nước, mùi đặc trưng của thịt bò. Thịt bò tươi ngon khi được thái mỏng sẽ cảm giác như dính lấy lưỡi dao, ấn tay vào thấy thịt dính theo tay. Thịt lợn hay thịt trâu giả bò thì độ dính sẽ ít hơn rất nhiều. Hoặc ấn nhẹ tay vào miếng thịt sẽ thấy độ dính và đàn hồi khác nhau. Miếng thịt thái thấy bở và cứng.
Trong khi đó, thịt bò kém chất lượng, ôi thường sẽ có màu sẫm, xương có màu vàng, độ đàn hồi kém, thịt nhão, bề mặt nhớt, mùi hôi. Nếu thịt bò giả bị tưới huyết bò, ướp phẩm tạo màu nhận biết bằng cách khi miết tay vào miếng thịt sẽ để lại ít phẩm màu ở tay. Phần thịt bò trên miếng thịt giả bị miết cũng sẽ nhạt đi do bị mất màu. Hoặc rửa miếng thịt bò ngay tại nơi bán cũng sẽ thấy nhạt màu dần. Hoặc nếu nghi ngờ có thể cắt miếng thịt nhỏ ra, do màu sắc bên trong và ngoài khác nhau có nhuộm cũng chỉ nhuộm được bên ngoài không thể nhuộm được cả bên trong miếng thịt.
Hà Trang - Xuân Ngọc
Nguồn http://dantri.com.vn/su-kien/manh-khoe-phu-phep-thit-oi-thiu-thanh-thit-bo-sieu-hang-20150807061913809.htm