Mỗi ngày bạn đều lựa chọn những thức ăn thật bổ dưỡng cho bản thân và gia đình, nhưng có thể, cách thức nấu ăn của bạn đã làm giảm dinh dưỡng của chúng đi nhiều.
Những thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chế phẩm sinh học… lại thường gặp phải cách chế biến sai lầm của người dùng. Chúng ta thường luộc, hấp, chiên rau trong dầu ăn, khiến chúng giảm độ dinh dưỡng đi nhiều. Thậm chí, ngay cả cách cắt cũng sẽ làm một số loại rau quả mất đi vitamin và khoáng chất trong chúng.
Bông cải xanh và tất cả các loại rau họ cải như cải xoăn, củ cải, súp lơ, bắp cải… đều được nên hấp nhẹ để giải phóng chất dinh dưỡng thực vật. Cà chua lại nên được nấu chín để tăng chất lycopene có tác dụng chống ung thư nhiều hơn là ăn sống.
Có 6 loại thực phẩm tiêu biểu nên được chuẩn bị, nấu và ăn bằng cách thức riêng đặc biệt để tăng tối đa tính dinh dưỡng của chúng mà bạn nên lưu ý.
1. Dâu tây
Loại trái này dồi dào chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin C. Nhưng cắt đôi những trái dâu sẽ khiến các chất dinh dưỡng này, đặc biệt là vitamin C, bị oxy hóa, tiêu hao giá trị đối với sức khỏe.
Bạn nên ăn cả trái dâu, hoặc đợi đến khi ăn mới cắt chúng. Các loại dâu được đông lạnh ngay sau khi hái lại tốt hơn vì các chất dinh dưỡng được lưu giữ lại đầy đủ trong trái.
2. Tỏi
Trong khi cắt, nghiền làm giảm giá trị dinh dưỡng của nhiều loại rau trái, với tỏi là ngược lại. Tỏi chứa một loại enzyme chống ung thư là allicin sẽ trở nên hoạt động khi được tiếp xúc với oxy.
Bạn nên cắt, nghiền tỏi và để nó ở ngoài trong vòng 10-15 phút trước khi bỏ vào thức ăn để tăng cường lợi ích cho sức khỏe của allicin.
3. Sữa chua
Sữa chua thường có một lớp dung dịch tập trung trên nắp hộp đựng và bạn thường bỏ nó đi chung với hộp. Nhưng thực sự, lớp nước ấy chứa rất nhiều protein, vitamin D, B12, canxi và phốt pho.
Bạn nên đổ chung lớp nước ấy vào sữa chua để tăng cường giá trị sức khỏe của nó. Sữa chua tốt nhất nên được ăn lạnh, nấu nó lên làm chết các vi khuẩn sống có lợi cho đường ruột và có tác dụng giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
4. Bông cải xanh
Loại rau này chứa rất nhiều chất chống ung thư, vitamin C, chlorophyll, chất chống oxy hóa. Nhưng luộc, chiên hoặc nấu nó lên có thể làm giảm rất nhiều giá trị dinh dưỡng của nó.
Bạn có thể ăn sống hoặc hấp nhẹ bông cải để có được nhiều chất dinh dưỡng nhất.
5. Cà chua
Cà chua là nguồn cung cấp lycopene, một chất dinh dưỡng thực vật được chứng minh là có khả năng chống ung thư tuyến tiền liệt, tăng cường khả năng nghe. Cà chua đem đến nhiều lợi ích sức khỏe hơn khi được nấu chín, làm tăng và tập trung hàm lượng lycopene trong trái hơn.
Dù ăn cà chua sống trong xà lách hay các loại thức ăn khác vẫn tốt, bạn có thể nấu cà chua chung với súp, cá, gà…
6. Thịt nướng
Đây là món ăn không thể thiếu với nhiều người và các bữa tiệc, nhưng thịt được nướng với nhiệt độ cao tới mức trở nên khô cháy sẽ làm tăng các chất hóa học gây ung thư gọi là heterocyclic amines (HCAs) và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs).
Bạn nên chế biến thịt chín từ từ, không nên làm cháy và tránh lửa chạm trực tiếp vào thịt. Bạn cũng nên chú ý rằng thịt chưa chín có thể chứa vi khuẩn E. coli, salmonella, và các loại vi khuẩn có thể còn sống đến khi bạn ăn, gây ngộ độc thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyên rằng người nội trợ nên có một nhiệt kế riêng dùng trong chế biến thực phẩm để bảo đảm các loại thịt được chế biến đến nhiệt độ thích hợp, tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn.
Theo Lan Thảo
Pháp Luật TPHCM
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/6-loai-thuc-pham-thuong-bi-nau-nuong-sai-cach-20150708171231981.htm