Cơ thể khởi động đáp ứng viêm thông qua việc giải phóng các hóa chất để huy động tế bào miễn dịch
Dù đó là hệ quả của bong gân, dị ứng với phấn hoa hay vết thương bị nhiễm trùng, thì điều tất cả chúng ta đều nhận thấy là dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và khó chịu mà viêm mang lại. Mặc dù những triệu chứng này có vẻ khá là tầm thường, song viêm không chỉ nằm ở dưới da.
Người ta ngày càng thừa nhận rằng phản ứng viêm mức độ thấp ở trong cơ thể chính là cốt lõi của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các bệnh mạn tính. Từ tiểu đường tới xơ vữa động mạch, thoái hóa hoàng điểm do tuổi già và thậm chí là sa sút trí tuệ, viêm có lẽ là sát thủ giấu mặt liên kết tất cả những bệnh này.
Mặc dù những manh mối về tầm quan trọng của viêm mạn tính đã có từ lâu, song mãi 15 năm trước các nhà khoa học mới bắt đầu để ý đến nó một cách nghiêm túc.
Tin tốt là điều này có thể thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện mới để điều trị những bệnh này bằng các thuốc chống viêm. Điều còn tốt hơn nữa là nhiều thuốc trong số này hiện đã có sẵn; thậm chí đã có trong tủ thuốc ở nhà bạn.
Cơ chế đáp ứng viêm của cơ thể
Trong điều kiện bình thường, viêm là một cách cực kỳ hiệu quả để điều trị nhiễm trùng và thúc đẩy lành bệnh.
Cơ thể khởi động đáp ứng viêm thông qua giải phóng những hóa chất huy động các tế bào miễn dịch tới vị trí có vấn đề, và gây hiện tượng thoát mạch tạo điều kiện cho những tế bào này đến “trạm” vào mô bị tổn thương. Đây chính là nguyên nhân gây sưng và đỏ do viêm. Sau đó các tế bào miễn dịch tiêu diệt nhiễm trùng bằng cách giải phóng thêm các hóa chất, hoặc “ăn” các vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập.
Nói chung, viêm là điều tốt. Có lẽ những người tạo được đáp ứng viêm mạnh đã mang đến sự tiến bộ về tiến hóa, vì họ có thể sống đủ lâu để truyền lại cho thế hệ sau.
Khi nào viêm gây hại?
Vấn đề chỉ nảy sinh khi viêm không được dập tắt, trở thành mạn tính và lan rộng hơn. Nếu viêm diễn ra dai dẳng thì nguy cơ của “ngọn lửa thân thiện” trong cơ thể sẽ bắt đầu vượt quá lợi ích.
Viêm có thể làm tăng mức độ của các phân tử độc trong não, trong khi mức độ các hóa chất khác như serotonin (rất quan trọng cho điều hòa tâm trạng) bị giảm đi.
Các nghiên cứu đã gợi ý rằng dạng viêm mức độ thấp mạn tính này - một ngọn lửa cháy âm ỉ trong tế bào và mô - phổ biến trong quần thể dân cư các nước phương Tây giàu có hơn là những xã hội truyền thống hơn.
Với viêm mức độ thấp kiểu này, bạn sẽ không nhận ra là mình đang có nó, mặc dù các bác sĩ có thể đánh giá viêm bằng cách nhìn vào nồng độ một chất gọi là protein C phản ứng (CRP) trong máu.
Những nguyên nhân gây viêm
Còn nhiều tranh cãi xung quanh nguyên nhân của viêm mạn tính. Một số chuyên gia cho rằng nó phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta với “những người bạn cũ” - những vi khuẩn và ký sinh trùng mà chúng ta đã chung sống hòa bình trong phần lớn lịch sử của nhân loại.
Giờ đây khi chúng ta sống ngày càng sạch sẽ hơn, hệ miễn dịch không còn nhận được những tín hiệu đầu vào mà lẽ ra chúng cần nhận được trong 2 - 3 năm đầu tiên của cuộc đời, và do đó dễ thả lỏng đáp ứng viêm với những kích thích nhẹ nhất.
Giả thuyết này tương tự như giả thuyết về sự gia tăng bệnh dị ứng và tự miễn: cơ thể phản ứng quá mức với những mối đe dọa cho dù rất nhỏ. Nhưng cũng có những cách giải thích khác, ví dụ như sự phát triển của bệnh béo phì.
Tế bào mỡ giải phóng một số chất gây viêm giống như những chất được tạo ra trong đáp ứng với nhiễm trùng và thương tích, và những người có chỉ số khối cơ thể cao hơn cũng có mức độ các chất chỉ báo viêm cao.
Và do chúng ta ngày càng sống lâu hơn, nên đáp ứng viêm với những “sai hỏng” hàng ngày của cơ thể có nhiều thời gian để tích tụ hơn. Rất khó để chỉ ra một yếu tố duy nhất nào khởi động viêm mạn tính. Có lẽ ở phần lớn mọi người, nó là phối hợp của nhiều yếu tố tạo thành tác nhân khởi phát ban đầu.
Từ viêm chuyển thành bệnh tật
“Ngọn lửa âm ỉ” này có thể có nhiều tác động. Lấy ví dụ như bệnh tiểu đường týp 2: trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nhận thấy mức độ viêm cao ở những bệnh nhân bị bệnh này.
Hiện nay người ta cho rằng các hóa chất gây viêm do tế bào mỡ giải phóng ra (nhiều bệnh nhân tiểu đường týp 2 bị thừa cân) khiến cho mô ít nhạy cảm với tác dụng của insulin, dẫn đến tăng nồng độ đường máu, và có thể thúc đẩy viêm nhiều hơn. Mỡ bụng và mỡ nội tạng - mỡ bao quanh các cơ quan trong cơ thể - được cho là thủ phạm lớn nhất.
Câu chuyện cũng tương tự với bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi già (AMD) - nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi do tổn thương hoàng điểm - vùng mắt chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm. Ở đây, tổn thương do tiếp xúc hàng ngày với các tác nhân stress như hóa chất và vi khuẩn khởi phát viêm và tổn thương mô.
Nhiều thuốc AMD hiện đang được phát triển nhằm giảm viêm và ngăn không để bệnh tiến triển.
Viêm có thể xâm nhập vào não bộ
Các chuyên gia cũng đi đến nhất trí rằng viêm trong cơ thể có thể tác động đến não - có thể dẫn đến nhiều bệnh, như sa sút trí tuệ, trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Thậm chí 100 năm trước, các bác sĩ đã thừa nhận rằng nhiễm trùng nặng có thể gây mê sảng - một tình trạng đặc trưng bởi lú lẫn và hoang tưởng cực kỳ nặng. Bị sốt cũng khiến chúng ta cảm thấy thờ ơ và trầm uất. Trong một thời gian dài, những quan sát này được xem là bí ẩn, do não được coi là cách ly với hệ miễn dịch bởi hàng rào máu não.
Hiện chúng ta đã biết rằng điều này không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, các hóa chất gây viêm có thể đi vào não và hoạt hóa những tế bào miễn dịch tại chỗ có tên là các tế bào tiểu thần kinh đệm, hệ quả là sinh ra thêm nhiều chất gây viêm.
“Điều này dẫn đến tăng nồng độ các phân tử gây độc trong não, trong khi nồng độ của các chất khác, như serotonin (chất có vai trò quan trọng trong điều hòa tâm trạng) lại bị giảm đi”, Golam Khandaker, chuyên gia tâm thần tại trường Đại học Cambridge giải thích. “Điều này khá phù hợp với những bệnh như trầm cảm, trong đó vấn đề là tâm trạng suy sụp và không thể tư duy mạch lạc”.
Thuốc chống viêm sẽ giúp phòng nhiều bệnh?
Tuy nhiên, các thuốc chống viêm có thể hữu ích. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2012 thấy rằng sử dụng aspirin hàng ngày làm giảm 40% nguy cơ trầm cảm ở nam giới cao tuổi có tiền sử bị bệnh - mặc dù kết quả này còn cần được nghiên cứu thêm.
Vậy phải làm gì nếu bạn đang khỏe mạnh nhưng lo ngại về tình trạng viêm có thể xảy ra làm tăng nguy cơ bệnh trong tương lai?
Sử dụng các thuốc chống viêm như aspirin hay ibuprofen để phòng bệnh về lâu dài không phải là một ý hay, vì những tác dụng phụ có thể xảy ra như chảy máu dạ dày.
Chế độ ăn luôn quan trọng!
TS Khandaker gợi ý nên nhìn nhận lại chế độ ăn. Trong khi chế độ ăn nhiều đường và chất béo trans có trong một số thực phẩm chế biến sẵn đã được thấy là làm tăng viêm, thì chế độ ăn nhiều cá có dầu, trái cây và rau làm giảm phản ứng này.
“Tập luyện thường xuyên và ăn uống lành mạnh đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh tim, trầm cảm và tiểu đường. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy cả hai điều này đều dẫn đến giảm viêm trong cơ thể. Vì thế có lẽ đây chính là cách mà cơ chế này phát huy tác dụng”.
Cẩm Tú
Theo Daily Mail
http://dantri.com.vn/suc-khoe/sat-thu-giau-mat-sau-nhung-benh-man-tinh-chet-nguoi-1086363.htm