Thời gian qua có nhiều thông tin về cây lược vàng chữa được rất nhiều bệnh, bao gồm ung thư. Sự thật về tác dụng của cây lược vàng.
Cây lược vàng (LV) được dùng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Một số tác giả ghi nhận (qua quan sát, thu thập ý kiến của người sử dụng): uống LV giúp tiêu hóa tốt hơn, cắt cơn đau dạ dày, giảm đau mỏi cơ - xương - khớp, ổn định huyết áp…; LV còn dùng bôi bên ngoài để chống tiết dịch, giảm ngứa, sưng đau trong một số bệnh ngoài da, chấn thương, bong gân…
Đa số các bệnh mạn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, gút, viêm khớp do thấp, viêm ruột - dạ dày, viêm da dị ứng và bệnh ung thư (UT)... thường có một số biểu hiện chung trong quá trình tiến triển của bệnh.
Với những tác dụng của nhóm chất ecdysteroid có trong cây LV và qua kinh nghiệm sử dụng thực tế của nhiều người bệnh cho thấy cây LV gây độc trên tế bào UT, có tính chống viêm, kháng sinh, chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do, hạ đường huyết, tăng sức đề kháng, kiềm hóa môi trường cơ thể…
Vì vậy, cây LV chắc chắn có tác dụng ít nhiều với các bệnh kể trên. Tuy nhiên, hiệu quả trị bệnh của cây LV còn tùy thuộc vào độ nặng của bệnh, sự đáp ứng của cơ thể và liều lượng sử dụng.
Mỗi năm, Việt Nam có 70.000 người chết do bệnh UT, 200.000 người bệnh mới bị UT; con số này ngày càng gia tăng. Có hơn 200 loại UT khác nhau. Phần lớn UT biểu hiện ở dạng khối u ác tính.
Điều đáng sợ nhất của khối u ác tính là tính xâm lấn vào các tổ chức xung quanh hoặc di chuyển tới hạch bạch huyết, các cơ quan ở xa và hình thành các khối UT mới, tiếp tục xâm lấn, tàn phá các tế bào, các tổ chức cơ thể. Đây chính là hiện tượng di căn của tế bào UT.
Nhắc lại đặc tính quái ác và nguy hiểm của UT để cho thấy, việc điều trị bệnh này hoàn toàn không đơn giản, cần phối hợp nhiều biện pháp cả Tây – Đông y. Chắc chắn không thể chỉ đơn độc dựa vào một vài loại cây thuốc để trị khỏi được bệnh UT.
Khi sử dụng cây LV làm thuốc, nên chọn những cây có ít nhất 9 - 10 đốt trở lên (không ngắn dưới 20cm) và có màu tím sậm để hoạt chất có trong cây sẽ đạt mức tối đa. Một vài cách sử dụng như sau:
Dùng đường uống:
Lá tươi rửa sạch, đâm hoặc nhai nhuyễn với ít muối. Liều thường dùng: khoảng 5 - 10 lá/ngày tùy theo tuổi và cân nặng.
Cắt nhuyễn toàn cây LV, phơi hoặc sấy khô (lưu ý, dù khô nhưng vẫn còn màu xanh của lá, không phơi hoặc sấy quá khô, cây chuyển sang màu vàng sẽ mất hết tác dụng trị bệnh), nấu uống với liều từ 15 - 20g/ngày.
Dùng xoa, đắp trong trường hợp bệnh ngoài da, viêm - sưng khớp, bong gân, bầm máu…:
Toàn cây thái mỏng, ngâm trong rượu hoặc cồn 700 sau vài tuần, chiết lấy phần nước dùng bôi ngoài.
Cắt cây LV thành đoạn nhỏ, cho hết vào nồi trộn với dầu thực vật (dầu dừa, dầu đậu phộng, dầu ô liu) vừa đủ, đun ở nhiệt độ khoảng 400C trong vài giờ. Sau đó, lọc qua gạc lưới bỏ bã và cho hỗn dịch vào trong lọ thủy tinh màu tối, bảo quản nơi mát.
Thuốc mỡ bôi ngoài da:
Cắt nhỏ toàn cây LV, nghiền thật nhuyễn, sau đó trộn với vaselin hoặc bột nhão để tạo thành hỗn hợp theo tỷ lệ 2:3, cho vào lọ thủy tinh màu đậm, giữ nơi mát.
Lưu ý, không nên uống cây LV cùng một lúc với các thuốc khác, đặc biệt là thuốc Tây. Không nên dùng dạng rượu LV trên người bị viêm - xơ gan, tăng huyết áp hoặc tăng đường huyết chưa kiểm soát tốt, người không uống được rượu. LV có tính mát nên những người có cơ địa lạnh (sợ lạnh, dễ tiêu chảy) không uống nước ép LV vào buổi tối.
Riêng với trẻ em dưới năm tuổi, chỉ nên dùng dạng bôi ngoài cho một số bệnh lý ngoài da như: rôm sảy, viêm da dị ứng,…
Điều quan trọng, người bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng LV.
Theo Alobacsi.vn
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201505/cay-luoc-vang-tri-ung-thu-610996/