Trong măng tươi có chứa độc tố. Nhưng cụ thể độc tố trong măng là gì và độ nguy hiểm đến đâu thì không phải ai cũng biết rõ.
ảnh minh họa
Măng tươi là món ăn được ưa chuộng, bởi tính dễ ăn, chống ngán sau khi ăn những thực phẩm giàu đạm và giàu mỡ khác.
Có một điều ai cũng biết, măng tươi có độc, người nội trợ cần phải biết sơ chế măng để loại bỏ chất độc đó. Nhưng cụ thể độc tố trong măng là gì và độ nguy hiểm đến đâu thì không phải ai cũng biết rõ.
1. Công dụng của măng:
Trong Đông y. măng là vị thuốc có vị ngọt nhạt (cam đạm), tính hơi lạnh (vi hàn). Măng có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoạt huyết, khi phong.
Măng thường được dùng trong các bài thuốc trị ho, đờm nhiều do nhiệt, cảm mạo phong hàn, đi ỉa chảy lâu ngày (cửu lỵ), lòi rom, sa trực tràng, sởi không phát được ra ngoài. Ngoài ra, dùng măng để giải say rượu cũng rất tốt.
Sách "Doanh dưỡng bách khoa" do Hội Dinh dưỡng Thượng Hải biên soạn cho rằng trong măng có các amin acid như lysine, tryptophan, threonine, serine, aminopropionic, trong đó 3 loại đầu là những "acid amin thiết yếu" đối với cơ thể.
Những bài thuốc dùng măng để trị bệnh:
- Chữa sởi, thủy đậu giai đoạn đầu ở trẻ em, táo bón ở người lớn: Măng tươi, cá diếc, gừng tươi, hạt tiêu, chút rượu vang. Cho tất cả các nguyên liệu đã làm sạch vào nồi đun chín, theemgia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa ho do phong nhiệt: Măng tre 20g, chua me đất 20g, rễ dâu (cạo vỏ, tẩm mật, sao vàng) 10g, gừng tươi 8g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm một chút đường hoặc mật ong, hấp cơm rồi cho uống.
- Chữa táo bón do nhiệt, phân cứng khó đi: Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng, đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa ho do đàm nhiệt, lồng ngực đầy tức khó chịu: Măng tươi mới nhú 60g, luộc chín, thái miếng rồi đem xào với gừng tươi thái chỉ và dầu vừng, chế đủ gia vị, ăn nóng.
- Chữa mất ngủ, bồn chồn: Măng tre 150 – 200g, thái lát, sắc kỹ lấy nước, uống hàng ngày trước khi đi ngủ.
2. "Mặt trái" nguy hiểm của măng nếu không biết cách chế biến:
Theo các nhà nghiên cứu, trong măng tươi có chứa một loại glycoside, tên là cyanogenic glycoside, có khả năng biến thành acid Cyanhydric (HCN ) có thể gây ngộ độc.
Acid Cyanide là một gốc Acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc Acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hoá là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể.
Trong măng tươi, hàm lượng chất này rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi ăn phải loại măng không được loại bỏ Cyanide, dưới tác dụng của cá enzym đường tiêu hóa, Cyanide sẽ biến thành Acid Cyanhydric gây hại cho cơ thể.
Khi vào đến cơ thể, Cyanide tác động lên chuỗi hô hấp tế bào bằng cách làm bất hoạt các enzym sắt của Cytocromoxydase hoặc Warburgase, là nguyên nhân gây tình trạng thiếu ôxy tế bào và toan chuyển hóa nặng.
Acid Cyanhydric có thể gây ngộ độc, triệu chứng là khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở, nặng có thể dẫn đến tử vong...
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, mỗi lần ăn măng không nên ăn quá 100g măng tươi. Khi ăn cần ngâm nước kỹ và luộc thật chín nhiều lần để loại bỏ độc tố.
Nếu bị ngộ độc, có thể sơ cứu như sau:
- Pha nước đường hoặc lấy những thức ăn có đường như kẹo, nước mía...cho bệnh nhân ăn, uống ngay.
- Lấy 50 - 70g đậu xanh giã nát cả vỏ, cho 1 bát nước sôi vào hòa loãng, lọc lấy nước để uống, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Hoặc có thể lấy rau muống giã nát vắt lấy nước uống.
- Nếu có điều kiện thì sắc rễ cỏ tranh hặc râu ngô lấy nước uống nhiều lần để giải hết chất độc của măng trong cơ thể.
Thêm nữa, trong măng còn có nhiều calcium oxalate khó tan có thể gây nên sỏi trong các cơ quan nội tạng. Vì vậy những người bị bệnh viêm thận, sỏi tiết niệu không nên ăn nhiều.
Cũng chính vì thế cần tránh nấu măng với đậu phụ hoặc ăn măng cùng bữa với đậu phụ bởi calcium trong đậu phụ có thể kết hợp với oxalic acid trong măng, tạo thành nhiều calcium oxalate khó tan.