Nếu thích món thịt gà lá giang, canh chua lá giang..., bạn sẽ ít khi bị đầy bụng, lở ngứa, nguy cơ đau nhức khớp cũng không cao.
Ảnh minh họa
Thịt gà lá giang là món ăn ngon khoái khẩu nhiều người. Cây lá giang thường mọc hoang hoặc được trồng chủ yếu làm rau nấu canh chua ngoài ra còn được dùng làm thuốc trị bệnh.
Lá giang có màu xanh lục hình trứng mọc đối dài 5 - 8cm, rộng 3 - 5cm, khi ngắt lá có tiết ra nhựa màu sữa đục, hoa màu trắng phớt hồng, khi quả già tách ra mỗi hạt có túm lông nhờ gió phát tán bay đi mọc cây non, cây thường mọc quấn phủ trùm lên thân cây khác thành bụi dây. Lá giang nấu canh chua với thịt cá, ăn mát ngon bổ ngoài ra còn làm thuốc trị bệnh. Tính thành phần dinh dưỡng của là giang có nước 85,3g; protein3,5g; gluxit 3,6g; caroten 0,6mg; vitamin C 29mg.
Theo y học cổ truyền, lá giang có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, khai vị, tiêu viêm, lợi niệu, giải khát, giảm đau. Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá giang làm thuốc, mỗi lần một nắm khoảng 100 - 200g tươi sắc nước uống chữa bụng đầy, đau nhức khớp, ăn khó tiêu, người nóng tiểu vàng, đầy bụng, sỏi tiết niệu, lở ngứa ngoài da.
Lưu ý, do có vị chua nên không dùng lá giang chữa bệnh đang bị đợt đau khớp do gút cấp bởi dễ tăng lắng đọng axit gây đau tăng. Không dùng chữa sỏi thận do lắng đọng axit vì uống dài ngày thì nước tiểu thiên về axit khiến sỏi lớn thêm. Không nên nấu canh lá giang ở nồi nhôm, nồi kim loại, nếu có nấu thì múc ra ăn ngay, nếu để lâu chất chua lá giang có thể ăn mòn kim loại gây độc.