Giá đỗ xanh hiện được coi là rau sạch. Loại tốt phải có cọng thân mập, cong tự nhiên, chất giòn, dài 3 - 4cm, màu trắng, hạt đỗ teo lại, vỏ hạt bong ra nhưng vẫn còn nguyên không tách rời, lá mầm có màu vàng nhạt hoặc ánh xanh lục, hơi nhú ra, rễ mầm màu nâu nhạt.
Ảnh minh họa
Trong 100g giá đỗ xanh có 5,5g protid, 5,3g glucid, 38g Ca, 91mg P, 1,4mg Fe, 0,2mg vitamin B1, 0,13mg vitamin B2, 0,75mg vitamin PP, 0,09mg vitamin B6, 10mg vitamin C, đặc biệt rất giàu vitamin E với hàm lượng 15 - 25mg và cung cấp 44 calo.
Giá đỗ xanh có thể ăn sống, dầm giấm, muối dưa, luộc, xào và phối hợp với nguyên liệu khác để chế biến các món ăn.
Về mặt thuốc, giá đỗ xanh có vị ngọt, nhạt, hăng, hơi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ khát, tiêu thực. Dược liệu thường được dùng dưới dạng tươi sống hoặc muối chua (dưa giá). Những người hiếm con (cả nam lẫn nữ) và phụ nữ dễ bị sẩy thai, hàng ngày nên ăn nhiều giá sống sẽ rất tốt. Tác dụng chính là do vitamin E trong giá rất cần thiết cho cơ thể, trong trường hợp thiểu năng sinh dục và khó sinh đẻ. Phụ nữ ít sữa sau khi đẻ, ăn giá sống cũng làm tăng tiết sữa. Ăn nhiều giá còn bảo vệ được tế bào của cơ thể ngăn ngừa quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Khi bị ho có đờm, khô cổ, khản tiếng, háo khát, lấy giá sống trộn với ít muối, ép lấy nước, ngậm làm nhiều lần trong ngày. Để chữa ngộ độc thức ăn và kim loại, chứng bí đái, say rượu, uống nước ép giá sống pha thêm đường.
Theo tài liệu nước ngoài, ăn giá đỗ xanh hàng ngày có khả năng làm da mặt bớt khô, chống nếp nhăn. Vitamin E trong giá có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại chống lão suy, tẩy sạch các chấm đen trên da mặt. Gần đây, các nhà nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc ít bị ung thư vú do ăn nhiều giá đỗ xanh. Ngoài ra, giá đỗ xanh còn giúp phụ nữ giảm nhẹ các thay đổi khó chịu ở thời kỳ mãn kinh.
Chú ý: Không dùng giá ngâm nước sôi hoặc xào nấu vì nhiệt độ cao làm mất hoạt tính tác dụng của các men tiêu hóa sẵn có trong giá đỗ.