Cha mẹ nên sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ. Ảnh: Chí Cường
Hôn mê sâu vì được cha mẹ trị nghẹt mũi
Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi bị hôn mê sâu do bố mẹ tự ý nhỏ thuốc trị nghẹt mũi cho con.
Theo lời của mẹ bé K (3 tuổi), trú tại quận 3, TP HCM: Bé K bị nghẹt mũi nhiều ngày, ăn uống rất khó khăn do bé chỉ thở bằng đường miệng nên đã lấy lọ thuốc nhỏ mũi của người anh trai K, đang học đại học năm thứ nhất vừa khỏi chứng ghẹt mũi, cảm cúm. Tuy nhiên, chỉ khoảng vài giờ sau khi nhỏ mũi, bé K có biểu hiện bứt rứt, vật vã, thở nấc.
Trước đó, bé C (18 tháng tuổi) trú tại quận 1, TP HCM cũng được bố mẹ đưa vào viện cấp cứu do bé có biểu hiện hôn mê sau khi bố mẹ “vệ sinh” mũi cho con trước khi đi ngủ cho bé đỡ bị nghẹt mũi. Sau khi rửa nước muối sinh lý, hút mũi, mẹ bé C quen tay nhỏ liên tiếp thuốc nhỏ mũi vào hai bên mũi của con rồi ngồi ru con ngủ. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 giờ, bé C đã có biểu hiện vật vã, toàn thân vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt, thở nấc và có biểu hiện hôn mê.
BS Hải Thoa (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: Cả hai cháu bé đều nhập viện trong tình trạng bị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim do ngộ độc chất Naphazolin, thành phần chính trong một loại thuốc nhỏ mũi của người lớn. Sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, cả hai bé đã dần ổn định.
Cũng theo BS Hải Thoa, thành phần Naphazolin chứa trong thuốc nhỏ mũi của người lớn mà hai bé trên sử dụng có tác dụng giúp giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi nhờ tác dụng làm giảm co mạch. Nhưng cũng chính chất này sẽ gây nguy hiểm nếu dùng cho trẻ nhỏ. Biểu hiện của ngộ độc thành phần Naphazolin có trong thuốc nhỏ mũi của người lớn là vã mồ hôi, bứt rứt, hôn mê, thở chậm rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, BS Hải Thoa khuyến cáo các bậc cha mẹ không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ nhỏ.
Sử dụng thuốc nhỏ mũi an toàn
Ngoài việc không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ, ngay cả thuốc nhỏ mũi của trẻ cũng được các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ nên dùng trong thời gian khoảng ít ngày theo chỉ định của bác sỹ. Các bậc cha mẹ không tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con cũng không được sử dụng dài ngày một loại thuốc nhỏ mũi vì sẽ khiến các bệnh về mũi của trẻ tăng nặng.
Theo BS Nguyễn Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, nước nhỏ mũi an toàn cho trẻ và có thể dùng lâu dài là nước muối sinh lý (NaCl 0,9%). Loại này có tác dụng rửa mũi, làm cho dịch mũi loãng ra, giúp niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường. Có thể nhỏ 4-5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm 2-4 lần. Chú ý không bơm nước mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là với trẻ sơ sinh vì dễ gây sặc.
Sterimar (nước biển phun sương) cũng là loại nước xịt mũi an toàn có thể dùng trong thời gian dài. Nước biển phun sương có tác dụng làm cho niêm mạc mũi trở lại bình thường; có nhiều nguyên tố vi lượng như bạc, kẽm (giúp kháng viêm), đồng, mangan (chống dị ứng). Vì chúng là dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi... Dùng trong viêm mũi xuất tiết, sau các thủ thuật ở mũi, sau nạo VA, sau cầm máu mũi…
Những loại thuốc không nên dùng trong thời gian dài là những loại thuốc thuộc nhóm co mạch như Naphazolin. Những loại thuốc co mạch này có tác dụng giúp cho niêm mạc cuốn mũi co lại làm trẻ thở thông thoáng, dễ chịu, ngoài ra còn có tác dụng phòng ngừa không cho virus, vi khuẩn phát triển, làm sạch hốc mũi, giúp mũi nhanh thông thoáng nhưng nếu dùng kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Vì vậy, những loại thuốc dạng này chỉ nên dùng không quá 2 tuần để niêm mạc kịp hồi phục. Và phải tuân thủ số giọt theo kê đơn của bác sỹ.
Minh Châu
Theo giadinh.net.vn:
http://giadinh.net.vn/song-khoe/khong-nen-su-dung-bua-bai-thuoc-nho-mui-cho-tre-2015030608545382.htm