Chuyên gia về ung thư phổi Robert Pirker đã đưa ra một báo cáo trước thềm Hội nghị về ung thư phổi Trung Âu sẽ diễn ra từ ngày 29-11 tới tại Vienna, Áo, cho thấy căn bệnh này đang cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người mỗi năm, và tổng số người chết vì căn bệnh này được dự báo sẽ lên đến 500 triệu vào thế kỷ này.
ảnh minh họa
Theo đó, ông Pirker nói một trong các biện pháp phòng ngừa quan trọng là giảm thiểu số người hút thuốc, bằng cách cấm hút thuốc tại các nhà hàng, quán rượu; điều trị dứt điểm chứng nghiện thuốc; chụp CT để phát hiện sớm ung thư phổi...
Ung thư phổi là một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu. Theo Hội Ung thư Mỹ, 44% bệnh nhân có thể sống sót trong vòng 1 năm và 16% bệnh nhân còn sống sau 5 năm phát bệnh.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có cơ hội sống lâu hơn cũng như được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tại Áo, mỗi năm có 4.000 người được chẩn đoán bị ung thư phổi, với tỉ lệ ở nữ nhiều hơn nam. Tại Anh, con số này là 44.000 người.
Tại Mỹ, số liệu từ Hội Ung thư Mỹ cho biết mỗi năm có 200.000 ca ung thư phổi mới được phát hiện, phần lớn là do hút thuốc và hút thuốc thụ động...
Tại Việt Nam, theo con số ước tính hồi năm 2013 thì mỗi năm lại có 20.500 người được chẩn đoán mắc ung thư phổi (trong đó khoảng 13.000 người là nam), và 17.500 người chết mỗi năm do ung thư phổi.
Tại TP.HCM, ung thư phổi đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nam giới và đứng hàng thứ tư ở nữ giới...