Hiện tượng chân tay lạnh giá dù được giữ ấm hay khi thời tiết nóng bức là những triệu chứng bất thường. Vào mùa đông, tình trạng này càng trầm trọng hơn.
ảnh minh họa
Các bác sĩ cho rằng: Với những bệnh nhân bị bệnh tay chân lạnh khi thời tiết lạnh, đa số đều không đáng lo ngại, chỉ cần thực hiện một số biện pháp đơn giản và giữ ấm chân tay.
Song ngược lại cũng có một số người bị tay chân lạnh lại là dấu hiệu của các căn bệnh khác nguy hiểm hơn rất nhiều.
Nếu đã loại trừ nguyên nhân thời tiết, tức là do nhiệt độ quá lạnh và cơ thể tiếp xúc lâu trong môi trường lạnh khiến chân tay lạnh cóng thì có thể kể đến những nguyên nhân bệnh lý như sau:
Khí huyết không lưu thông:
Nhiệt độ ngoài trời hạ làm các thành mạch co lại. Khí huyết không được lưu thông dễ dàng có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch. Khả năng hoạt động của gan và thận cũng bị ảnh hưởng.
Lượng máu lưu thông không đủ nuôi dưỡng tế bào, đặc biệt ở phần chân và tay. Sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Chân tay sẽ lạnh và luôn có màu nhợt nhạt.
Thiếu máu:
Những người bị thiếu máu, thiếu sắt nên lượng hồng cầu trong máu hạ thấp.
Ăn uống không đầy đủ:
Đói, thiếu i ốt, chế độ ăn kiêng quá khắt khe, không đẩm bảo chất dinh dưỡng. Thiếu vitamin B12 cũng làm cho chân tay lạnh và có cảm giác tê buốt như bị kim châm.
Do rối loạn nội tiết:
Hệ thống nội tiết đóng vai trò không thể thiếu trong chức năng trao đổi chất và điều này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể. Trong một số trường hợp, tay lạnh và bàn chân có thể là nguyên nhân của các bệnh như:
- Suy giáp: Khi lạnh bàn tay, chân kèm theo hiện tượng rụng tóc nhiều và mất trí nhớ.
- Huyết áp thấp: Những người có huyết áp thấp nhưng khỏe mạnh thường tập trungdòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh; Bệnh Adison, suy thận, suy tuyến yên, tiểu đường…
- Do mắc bệnh về tim mạch: Một số bệnh về tim mạch có thể là nguyên nhân khiến hai bàn tay và bàn chân lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài có thể làm giảm hoặc làm mất khả năng lưu thông máu tới các chi.
Cách khắc phục chứng tay chân lạnh
Ngâm tay chân nước ấm
Ngâm tay và chân trong nước ấm (40oC) trong khoảng 20 phút, có thể cho thêm vài lát gừng. Điều này giúp làm giãn các mạch máu, giúp máu và khí huyết dễ dàng lưu thông khắp cơ thể. Ngâm chân tay trong nước ấm cũng là cách khiến cho bạn có 1 giấc ngủ sâu hơn. Trong khi ngâm, bạn nên mát-xa bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu.
Trước khi đi ngủ, bạn có thể đặt túi chườm nóng dưới chân để sưởi ấm.
Vận động
Vận động giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể, tuy nhiên, không nên vận động quá sức, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cho cơ thể bạn nhanh chóng tỏa nhiệt và nhanh mất nước.
Sử dụng chất liệu co-tong, len
Những đôi tất tay và tất chân làm làm từ cotong và len không chỉ đem lại cảm giác mềm mại dễ chịu mà còn hấp thụ mồ hôi chân, giữ được khô ráo, thoải mái cho chân và tay của chúng ta.
Chế độ dinh dưỡng giàu calo
Thời tiết lạnh giá để tăng thêm nhiệt lượng, cải thiện chứng chân tay lạnh thì cần phải chú ý bổ sung thực phẩm ấm nóng, hạn chế ăn uống có tính lạnh. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều đồ nóng vì chúng có thể gây viêm loét nhiệt miệng.
Nên bổ sung nhiều vitamin B1, B12, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin F và chất sắt.
Thư giãn và nghỉ ngơi
Stress và thiếu ngủ luôn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh. Nghỉ ngơi, thư giản và giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp giữ ấm cơ thể tốt hơn. Đối với những trường làm việc tại chỗ, thường xuyên căng thẳng thì cần tăng cường hoạt động thể chất, thể dục giữa giờ làm việc, tập một số động tác tay chân và lưng để tăng cường tuần hoàn máu.
Cọ xát tay chân
Nếu tay chân bạn bị lạnh cóng, hãy chà xát chúng với nhau để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm.