Đậu nành hiền lành như thầy tu, nhưng nghiên cứu đậu nành lại phức tạp. Các kết quả đá nhau chan chát….
Đậu nành được xem là loại thịt rẻ tiền cho giới nghèo, hàm lượng protein cao, đủ các acid amin thiết yếu, chất béo tốt, không cholesterol, chất xơ, vitamin, khoáng… Về dinh dưỡng, hơn thứ này, kém thứ nọ một chút so với thịt (thứ thiệt), coi như tám lạng nửa cân.
Nhưng về mặt lợi ích sức khoẻ của đậu nành, hiểu là ngừa và trị bệnh thì hấp dẫn, toàn là bệnh hiểm: ung thư, tim mạch, huyết áp, loãng xương… nhưng mặt hấp dẫn này vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới khoa học.
Lợi ích ngừa và trị bệnh của đậu nành được quy cho nhóm isoflavones. Các isoflavones này có đặc tính gần giống với estrogen, nên isoflavones được xếp vào nhóm estrogen thực vật (phytoestrogens). Estrogen là hormone do buồng trứng tiết ra, nhờ estrogen mà phụ nữ mới ra… phụ nữ, phát triển đặc tính nữ, sinh dục, sinh sản.
Vì isoflavones có nhiều trong đậu nành, hay thực phẩm làm từ đậu nành (bột đậu nành, sữa đậu nành, đậu nành lên men (tương bần), đậu hũ, tàu hũ, yogurt đậu nành, xúc xích đậu nành…) nên khoa học tập trung nghiên cứu lợi ích của đậu nành.
Bài viết này dựa trên những đánh giá về isoflavones trong đậu nành của trung tâm Y học thuộc đại học Maryland, viện Linus Pauling của đại học Oregon State, và Mayo Clinic, một trung tâm nghiên cứu y học phi lợi nhuận ở Mỹ. Những đánh giá này dựa trên nhiều công trình nghiên cứu trước đó, thận trọng, và cũng gần giống nhau.
Làm giảm cholesterol?
Một nghiên cứu lâm sàng trên gần 5.000 người ở Nhật Bản ăn nhiều thực phẩm đậu nành cho thấy cholesterol của họ ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, một duyệt xét lại những nghiên cứu khác ở những người có mức cholesterol cao, cho thấy ăn protein đậu nành chỉ làm giảm mức cholesterol toàn phần 9%, với điều kiện họ ăn 31 - 47g protein đậu nành mỗi ngày, thay cho ăn thịt. Vấn đề là phải giảm cả ăn thịt.
Mayo Clinic đánh giá cao nghiên cứu này. Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) cũng khuyến cáo nên ăn ít nhất 25g protein đậu nành mỗi ngày, kèm với khẩu phần ăn ít chất béo bão hoà và cholesterol để giảm rủi ro bệnh tim. Nói chung, ăn đậu nành và giảm thịt mỡ đều được các nhà khoa học (khó tính nhất) hoan nghênh.
Làm giảm những "khó chịu" trong thời mãn kinh?
Nội tiết tố estrogen ở phụ nữ giảm đáng kể ở thời kỳ mãn kinh, gây ra những cơn "bốc hoả", đổ mồ hôi ban đêm và nhiều thứ khó chịu khác. Bổ sung (uống hoặc dán) estrogen có thể làm giảm những triệu chứng này, nhưng bổ sung estrogen lại gặp rủi ro về ung thư vú, đột quỵ, mất trí nhớ…
Thế là isoflavones trong đậu nành lại được nhắm tới khi có những nghiên cứu lâm sàng cho thấy, những phụ nữ ở giai đoạn hậu mãn kinh ăn 20 - 60g protein đậu nành mỗi ngày thì cơn bốc hoả, đổ mồ hôi đêm ít hơn, dịu hơn so với người chỉ ăn lai rai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác lại cho thấy số người dùng chất bổ sung isoflavones giảm "khó chịu" chỉ khoảng 10 - 20% so với người dùng giả dược (placebo). Kết quả coi như hên ít huề nhiều.
Làm giảm loãng xương?
Một quan sát cho thấy phụ nữ châu Á (ăn nhiều đậu nành) ít bị gãy xương hông hơn phụ nữ phương Tây, và người ta nghĩ rằng isoflavones (đặc biệt là loại genistein) đã làm tăng mật độ khoáng xương (BMD). Tuy nhiên kết quả nhiều thực nghiệm lâm sàng có đối chứng lại cho thấy điều này chẳng ý nghĩa gì cả. Mayo Clinic đánh giá rất thấp mối liên hệ giữa isoflavones và ngừa loãng xương.