Chanh, mật ong... giúp giảm đau do viêm họng.
Viêm họng là bệnh khá phổ biến, bệnh xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng dễ dàng xuất hiện. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì một số thực phẩm giúp giảm đau khi mắc bệnh này.
Chanh: Chanh là loại gia vị thông dụng, ngoài ra chanh tác dụng kháng khuẩn chống viêm. Bạn có thể pha nước chanh và mật ong có công hiệu giảm đau họng và giảm chứng viêm. Hoặc có thể lấy quả chanh thái lát mỏng, trộn với muối, ngậm hàng ngày sẽ có kết quả tốt; dùng chanh vắt lấy nước cốt, sau đó đun sôi và dùng làm nước ngậm. Mỗi ngày ngậm khoảng 2-3 lần/ngày.
Lá tía tô: Theo Đông y, lá tía tô có vị ấm, thường dùng trong điều trị cảm mạo trong dân gian. Bạn có thể dùng lá tía tô chữa bệnh viêm họng bằng cách rửa sạch, vắt lấy nước và uống.
Cam thảo: Cam thảo là loại thuốc có vị ngọt tự nhiên, có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau họng. Hãy ngậm một miếng cam thảo trong miệng, tinh chất trong cam thảo được tiết ra nhờ nước bọt, chúng sẽ mau chóng chữa lành cổ họng cho bạn.
Cây trâm ổi: Còn gọi là bông ổi, thơm ổi, hoa ngũ sắc (hoa có năm màu), tứ quý (trổ hoa bốn mùa). Khi viêm họng có thể lấy lá trâm ổi 3 - 6 lá, 1 lát gừng tươi và 1 ít muối giã nhỏ ngày chia làm 3 lần để ngậm nuốt thuốc từ từ, thời gian cả nhai và nuốt từ 15 - 30 phút. Mỗi ngày nhai và nuốt 3 lần: Sáng, trưa và tối.
Húng quế: Hãy lấy một vài búp lá húng quế và nhai chúng vào mỗi buổi sáng, buổi tối. Bạn cũng có thể uống trà húng quế nếu cảm thấy khó khăn khi nhai trực tiếp. Làm điều này trong vòng 3 - 4 ngày, sẽ giảm chứng đau họng.
Ngoài ra, để giảm đau khi viêm họng người bệnh cần uống nhiều nước vì nước và các chất lỏng có tác dụng giúp và giữ cổ họng của bạn được bôi trơn và ẩm ướt nên có thể nuốt dễ dàng hơn.
Khi bị viêm họng nên ăn các loại thức ăn mềm, các đồ ăn ở dạng lỏng có tác dụng làm giảm kích thích niêm mạc hỏng giúp giảm ho và đau họng. Các loại cháo và súp là lựa chọn thích hợp cho bệnh nhân viêm họng, đau họng. Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng ăn súp gà (loại bỏ da) có tác dụng làm giảm các tế bào gây viêm.
Súc miệng bằng nước muối ấm là cách hiệu quả để giảm đau cổ họng. Muối sẽ giúp làm giảm sưng do nhiễm khuẩn. Có thể áp dụng cách này nhiều lần trong ngày.