Thời gian gần đây, việc sử dụng hóa chất bảo quản trong các loại quả nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc khiến người dân vô cùng bất an. Nhiều loại táo, lê… để hàng tháng trời vẫn không bị hỏng; chuối, mít xanh… được tẩm hóa chất để nhanh chín.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 9/9.
Lãnh đạo Lạng Sơn nêu băn khoăn trong công tác kiểm soát chất lượng các loại quả nhập khẩu, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, trái cây được ướp, bảo quản ,vấn đề là kiểm soát ngay từ ban đầu được hàm lượng hay không.
|
Từ đầu năm đến nay có gần 240.000 tấn rau, củ, quả nhập qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Ảnh: Nam Phương.
|
Ông Hoàng Đình Hoàng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Không biết người Trung Quốc sử dụng hóa chất bảo quản gì nên người dân bán tin bán nghi. Hoa quả nhập bên mình về họ cũng xử lý bảo quản như thế, rồi mới bán”.
Vì thế, theo ông việc nâng cao năng lực xét nghiệm cho tỉnh mang tầm khu vực, quốc gia rất cần thiết, từ đó mới có phản ứng nhanh. Lạng Sơn cũng là cửa ngõ, việc này sẽ giúp ngăn chặn cho cả nước.
Ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, Viện đã để thử quả lê 5 tháng mà vẫn không bị hỏng. Công tác kiểm soát chất bảo quản rất khó, một số cơ sở có thể kiểm nghiệm được, nhưng có nhiều chất chưa định danh được, khó kiểm soát dư lượng. Các đơn vị thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng hầu như không phát hiện được gì.
"Các chỉ tiêu mới phát triển liên tục, nhiều hóa chất lạ rất khó phát hiện, thậm chí không tìm thấy trong quá trình kiểm nghiệm. Cơ quan chức năng mới chỉ giám sát được mấy nhóm chính. Cụ thể có đến 2.000 loại hóa chất bảo quản nhưng Viện mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại", ông Đà chia sẻ.
Dẫn chứng thêm cho điều này, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, cách đây 3-4 năm, Sở Y tế tỉnh từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Từ đầu năm đến nay có gần 240.000 tấn rau, củ quả nhập qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, với 21 mặt hàng như: bưởi, cà chua, dưa hấu, dưa vàng, khai môn, lê, mận, nấm, nho, rau xanh các loại, quýt, táo... Đoàn công tác Bộ Y tế đã lấy 15 mẫu trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc gồm: táo đỏ, lê và dưa hấu để kiểm nghiệm hóa chất bảo quản.
“Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm cần phối hợp với các chi cục an toàn thực phẩm lấy mẫu bán lẻ ngẫu nhiên để kiểm nghiệm. Tại sao táo, lê để lâu mà không hỏng”, Bộ trưởng Tiến đề nghị.
Bà Tiến cũng yêu cầu Cục An toàn Thực phẩm làm việc với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đề nghị cung cấp danh sách hóa chất bảo quản được sử dụng, ngưỡng an toàn đối với rau củ quả ở Trung Quốc. Từ đó, cơ quan kiểm nghiệm nước ta có cơ sở tìm kiếm các hóa chất không được phép sử dụng hay vượt ngưỡng cho phép.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, kiểm tra việc kinh doanh gia cầm tại chợ Giếng Vuông, Lạng Sơn. Ảnh: Nam Phương.
|
Ngoài ra, trong sáng 9/9, Bộ trưởng Y tế cũng đi kiểm tra việc kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị và chợ Giếng Vuông - nơi kinh doanh gia cầm chính của tỉnh.
Lạng Sơn là một trong 5 địa phương trong năm nay lần đầu tiên phát hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm. Chủng này giống với chủng được phát hiện tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, khó lây sang người nhưng đã có một trường hợp tử vong. Hiện các mẫu giám sát ở khu vực xunh quanh ổ dịch cho kết quả âm tính.
Theo đại diện Sở Công thương việc vận chuyển gia cầm nhập lậu có giảm nhưng việc kiểm soát rất khó khăn do gặp phải sự chống trả của các đối tượng. Những người này dùng các phương tiện nhỏ, chạy rất nhanh.
Thời tiết miền Bắc sắp vào mùa đông xuân, thời điểm thuận lợi cho virus cúm gia cầm A/H7N9 bùng phát. Vì thế, các chuyên gia lo ngại nếu không kiểm soát chặt vấn đề gia cầm nhập lậu thì nguy cơ cúm A/H7N9, A/H5N6 có thể xâm nhập vào Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng chưa xác định virus cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại Việt Nam là do nhập lậu gia cầm hay do chim di cư.
Trước đó, từ đầu năm, tỉnh cũng phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Gần 1.500 kg gia cầm bị chết, tiêu hủy.
Nam Phương
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-y-te-yeu-cau-lam-ro-viec-tao-le-de-lau-khong-hong-3077183.html