ảnh minh họa
Gan là một trong những bộ phận quan trọng trong cơ thể con người. Chúng có khả năng tự phục hồi và tái tạo. Vì vậy, để bảo vệ gan, bạn cần sớm vạch ra những thay đổi tích cực trong chế độ ăn uống và lối sống trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan mãn tính. Nếu không được điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp, bệnh sẽ nặng hơn và có thể dẫn đến ung thư gan.
Lợi ích của việc theo đuổi chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người đang bị gan nhiễm mỡ
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chữa trị bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là sự thay đổi trong khẩu phần ăn uống hàng ngày. Cần đảm bảo rằng chế độ dinh dưỡng của bạn có ích cho sức khỏe và ngăn chặn được những triệu chứng của bệnh. Việc theo đuổi chế độ ăn đặc biệt dành riêng cho người bị gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ mang lại những lợi ích sau:
- Giúp làm giảm lượng chất béo có trong gan
- Hạ thấp các nguy cơ tổn hại ở gan
- Cải thiện chức năng của insulin
- Giúp bạn giảm cân dễ dàng hơn
Hãy bổ sung thêm những thực phẩm được liệt kê dưới dây vào khẩu phần ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của gan đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm hơn như ung thư gan. Những thực phẩm cần thiết cho người đang bị gan nhiễm mỡ:
1. Rau sống
Đối với những người đang bị gan nhiễm mỡ, ăn rau sống là cách để bạn bổ sung thêm các vitamin cùng khoáng chất có lợi cho gan mà lại không chứa đường hay chất béo. Hãy chế biến nhiều món salad trộn khác nhau và cố gắng ăn thật nhiều rau trong các bữa ăn hàng ngày.
2. Trái cây
Để giảm cân thành công nhằm bỏ bớt lượng mỡ thừa trong cơ thể, đặc biệt là ở gan, người bệnh cần ăn ít nhất hai bữa trái cây mỗi ngày. Hàm lượng đường trong các loại trái cây không cao nên rất có lợi trong việc kiểm soát các cơn đói hay thèm ăn mà không ảnh hưởng đến “sức khỏe” của gan.
Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng bạn ăn đủ khẩu phần theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, để cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết theo nhu cầu hoạt động.
3. Rau, củ đã nấu chín
Để bổ sung carbonhydrate cho cơ thể, bạn nên chọn những loại rau, củ đã nấu chín vốn có nhiều tinh bột, đặc biệt là ngô (bắp). Kết quả nghiên cứu cho thấy bắp cung cấp năng lượng dồi dào, nhưng lại chứa nhiều a-xít béo không no giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất béo, bao gồm cả cholesterol. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều khoai tây vì chúng có thể khiến bạn bị khó tiêu.
4. Protein
Những nguồn cung cấp protein tốt nhất gồm hải sản, thịt gia cầm, thịt đỏ nhưng chỉ chọn những loại thịt nạc và tươi, trứng, các loại đậu như đậu Hà Lan hay đậu lăng, các loại hạt và quả hạch.
Cần bổ sung đủ lượng protein theo nhu cầu cơ thể, không nạp quá nhiều hay quá ít đều gây ra sự mất cân bằng, khiến bệnh gan nhiễm mỡ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể về hàm lượng dinh dưỡng cần thiết.
5. Các bữa phụ
Kiểm soát các cơn thèm ăn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chữa trị chứng gan nhiễm mỡ. Hãy tham khảo những gợi ý về các bữa ăn phụ có lợi cho sức khỏe dưới đây:
- Các loại quả hạch
- Rau, củ, quả ăn sống như cà rốt, dưa leo (dưa chuột), cà chua…
- Sữa chua trộn trái cây
- Rau, củ hấp chín như bông cải xanh, các món salad trộn trái cây như bơ, thơm (dứa)… hay đậu Hà Lan
- Nước ép từ rau, củ, quả tươi.