Ảnh minh họa
Đái ra dưỡng chấp là một chứng bệnh thuộc phạm vi chứng ngũ lâm, cao lâm của y học cổ truyền. Nguyên nhân do giun chỉ Filaricabancrofti trưởng thành, khu trú trong bạch mạch của bể thận gây viêm tắc, phồng bạch mạch sinh la lỗ rò, bạch huyết vào trong bể thận và đái ra dưỡng chấp. Bệnh được chia làm 2 loại: đái ra dưỡng chấp đơn thuần (bạch trọc) và đái ra dưỡng chấp lẫn máu đỏ (xích trọc). Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Xích trọc (đái đỏ)
Người bệnh có biểu hiện tiểu tiện ra chất đục màu đỏ, tiểu tiện bình thường hoặc hơi rát, đau lưng, ù tai, rêu lưỡi vàng, mạch trầm sác. Phương pháp chữa là ích khí thanh tâm, lợi tiểu là chính. Dùng một trong các bài:
Bài 1: ý dĩ, tỳ giải, bố chính sâm, huyền sâm, trắc bách diệp, liên nhục, củ mài, rễ cỏ tranh, mã đề, cam thảo nam mỗi vị 12g, hoạt thạch 6g. Sắc uống.
Bài 2: Thanh tâm liên tử thang: đẳng sâm, hoàng kỳ, sa tiền tử, viễn chí, mạch môn, hoàng cầm, sài hồ, xích linh, liên nhục mỗi vị 12g, cam thảo 6g, xương bồ 8g, đan bì 6g. Sắc uống.
Kết hợp day bấm các huyệt: hợp cốc, thận du, thái khê, âm lăng tuyền, thiếu hải.
Bạch trọc (đái trắng)
Người bệnh tiểu tiện trắng như hồ gạo, rêu lưỡi trắng dày, mạch hoạt. Phương pháp chữa: thanh nhiệt lợi thấp là chính. Dùng một trong các bài:
Bài 1: kim tiền thảo 20g, giá đỗ xanh 16g, ý dĩ 12g, mía đỏ 20g, lá tre 20g, tỳ giải 16g, hoạt thạch 10g. Sắc uống.
Bài 2: Tỳ giải phân thanh ẩm: tỳ giải 20g, thạch xương bồ 8g, ô dược 8g, ích trí nhân 16g, cam thảo 6g, phục linh 12g, muối ăn 4g. Sắc uống.
Kết hợp day bấm các huyệt tam âm giao, túc tam lý, giải khê, âm lăng tuyền, khí hải.
Nếu bệnh lâu ngày không khỏi, người mệt mỏi, vô lực, sắc mặt trắng, miệng nhạt, mạch hư tế hoãn là do khí hư do hàn. Dùng bài Bổ trung ích khí thang: hoàng kỳ 12g, chích thảo 6g, thăng ma 8g, đảng sâm 12g, đương qui 8g, sài hồ 12g, bạch truật 12g, trần bì 8g, tỳ giải 20g, thạch xương bồ 8g, ô dược 8g, ích trí nhân 16g. Sắc uống.
Nếu kèm phiền nhiệt, miệng khát lưỡi đỏ, mạch tế sác là do âm hư thấp nhiệt. Phương pháp chữa là tư âm thanh thấp nhiệt. Dùng bài thuốc Bát vị tri bá phối hợp với Tỳ giải phân thanh ẩm.
Bài Bát vị tri bá: thục địa, sơn thù, hoài sơn, hoàng bá mỗi vị 12g; trạch tả, đan bì, phục linh, tri mẫu 8g. Sắc uống.
Nếu sắc mặt xanh trắng, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, mạch trầm do thận dương hư, phương pháp chữa là ôn thận cố sáp. Dùng bài: sừng hươu nai 20g, nhục quế 4g, phụ tử chế 8g, phá cố chỉ 12g, thỏ ty tử 12g, tang phiêu tiêu 12g, đẳng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, liên nhục 12g, phục linh 12g. Sắc uống.
Vị trí huyệt
Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Thận du: Dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 sang ngang 1,5 tấc (chiều dài ngón trỏ người bệnh).
Thái khê: Tại trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.
Âm lăng tuyền: Dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt.
Thiếu hải: Co tay lại, huyệt nằm ở cuối đầu nếp gấp khuỷu tay, mặt trong cánh tay, cách mỏm trên lồi cầu trong 0,5 tấc.
Tam âm giao: Mắt cá trong đo thẳng lên 3 tấc, chỗ bờ sau xương chày.
Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó hơi xịch ra phía ngoài một ít là huyệt.
Giải khê: Ở chỗ lõm trên nếp gấp trước khớp cổ chân, giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.
Khí hải: Dưới rốn đo thẳng xuống 1,5 tấc.