Những tin mới làm nhiều người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ môi trường sống phải rùng mình. Sau đại dịch HIV, chúng ta đã chứng kiến dịch SARS và bây giờ là đại dịch virus Ebola.
Tất cả đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và sự lây lan của nó cũng khởi đầu từ việc săn bắt và sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm. Tính đến thời điểm này, tức là chỉ 4 tháng trôi qua kể từ khi dịch Ebola được phát hiện, virus này đã lan tới 4 nước Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1900 người và số người tử vong là hơn 900 người. Trước sự bùng phát dữ dội này, Ebola được ví như một cơn cháy rừng và các nước châu Âu, châu Á đang đặt cảnh giác cao độ bởi Ebola có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%. Ebola có thể lây từ động vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả. Từ dơi, vượn, khỉ hay lợn sẽ bị nhiễm virus Ebola và từ đó mang virus tới con người. Vậy nên, chúng ta có thể xác định trước một cách để phòng tránh Ebola, đó là tránh ăn thịt động vật hoang dã cũng như các loại thịt sống. Chúng ta nên nhớ, bệnh nhân đầu tiên mắc Ebola vào đã bị bệnh sau khi ăn thịt khỉ và linh dương.
Có hay không có một sự trả thù của tự nhiên đối với loài người khi hàng loạt đại dịch xuất phát từ việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm? Điều ấy khoa học sẽ có kết luận. Tuy nhiên đến nay, đã thấy rõ, việc tiêu diệt các quần thể động vật hoang dã đã đem lại cho loài người những hiểm họa lớn lao.
Ngay ở Việt Nam, cùng với nạn tàn phá rừng, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tuyệt chủng hàng ngày của nhiều loài thú hoang dã. Ngay từ năm 2012, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo đánh giá hiện trạng của các quốc gia về tuân thủ và thực thi các cam kết CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ màu đỏ.
Những bữa ăn tàn ác
Tất cả các khách du lịch nhiều tiền, những quan khách đến công tác tại thị xã Nghĩa Lộ đều biết đến nhà hàng của ông S. Một nhà hàng không cần biển, không cần đăng ký kinh doanh nhưng nổi tiếng khắp vùng nam Tây Bắc suốt hàng chục năm qua. Khách đến đây có thể được chiêu đãi gần như trọn bộ sưu tập thú hoang dã còn sống ở Tây Bắc như các giống cầy cáo, các loại hoẵng, mang, nai, hươu hoang dã, thậm chí cả các loại quý hiếm như mèo rừng, beo báo đều có thể có. Rắn thì nhiều vô kể, từ hổ mang chúa đến các loại rắn nước thông thường... Chúng tôi đã được mời ăn một bữa tại đây với một con cầy nặng 4 kg và được tặng một con hoẵng 13 kg đông lạnh đàng hoàng, dĩ nhiên là đông lạnh nguyên con, trừ bộ lòng đã bỏ đi...
Bước vào một quán nhậu bên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, Tp.HCM), mỗi đêm ở đây đều tụ tập rất nhiều khách, cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ. Một vị khách gắp miếng thịt cầy hương cho người bạn của mình rồi nói: Anh ăn đi, nghe nói thịt cầy hương có thể bồi bổ tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh.
Mới đây, cư dân mạng và dư luận rất bức xúc trước loạt ảnh của một nhóm thanh niên giết voọc chà vá được tung lên mạng. Những tấm ảnh ghi lại cảnh nhóm thanh niên này đang làm thịt, hành hạ hai con voọc chà vá một cách rất dã man. Vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng săn bẫy và giết thịt các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam. Theo Sách đỏ Việt Nam, mỗi năm voọc chà, voọc đen, voọc mũi hếch... chỉ đẻ một con. Đây đang là loài thú rừng bị con người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Một thực tế đáng buồn là tại nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng bẫy voọc diễn ra vô cùng phổ biến. Trung bình mỗi người sẽ làm khoảng 300 - 500 cái bẫy. Mà khi bẫy sẽ hết cả đàn. Đội thợ săn được trả lương rất cao để làm việc này. Ngay sau khi bắt voọc về, nhiều người không ngại giết sống con voọc bằng cách bửa sọ, lột da và moi cả trái tim còn đang thoi thóp để ngâm rượu.
Và mới nhất, chiều 3-8, nhận tin báo của quần chúng nhân dân tại nhà ông Nguyễn Văn Đường (48 tuổi, ngụ xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang nhốt 1 con chim lạ. Lực lượng Cảnh sát môi trường kết hợp với Công an xã Tân Quới đến tìm hiểu và tạm giữ con chim lạ, có trọng lượng gần 4 kg, chiều dài sải cánh 1,2m. Theo các ngành chức năng, đây là loại chim quý hiếm nằm trong danh sách đỏ có tên là Giang Sen, loài vật quý xếp hàng thứ 2 sau Sếu đầu đỏ. Chỉ trước đó 3 ngày, 7 giờ 30 phút sáng 29-7, từ nguồn tin của nhân dân, nghi ngờ trên xe có chở động vật hoang dã trái phép, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã kiểm tra xe khách BKS 81B- 00.225. Qua kiểm tra, phát hiện trong khoang dưới gầm xe có 25 cá thể tê tê (tổng trọng lượng 20,5 kg); 25 cá thể rùa (tổng trọng lượng nặng 25 kg). Đây là các loại động vật hoang dã, nghiêm cấm mua bán, vận chuyển trái phép.
Có xu hướng gia tăng
Việt Nam được xem là quốc gia có sự đa dạng về sinh học với khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới, song nước ta lại được xếp vào nhóm 15 quốc gia hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú. Tại Việt Nam từ năm 2000 đến tháng 6-2013, Cục Kiểm lâm ghi nhận gần 18.500 vụ vi phạm. Tuy nhiên, theo ước tính, con số này mới chỉ chiếm một phần nhỏ số lượng trên thực tế. Bình quân mỗi năm có khoảng 3.700 - 4.500 tấn động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp, chủ yếu là các loài linh trưởng, gấu, tê tê, rùa... và các thành phẩm, dẫn xuất của nó. Và TP.HCM là 1 trong những “điểm nóng” của nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.
Theo kết quả khảo sát vừa được công bố mới đây của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), không chỉ dân thành phố mà 30% số người được khảo sát tại nông thôn cũng đã từng sử dụng mật gấu với mục đích tăng cường sức khỏe, chữa trị vết thương. Ở Việt Nam, hổ cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Tiết hổ thường được cánh đàn ông pha lẫn với rượu và uống như một món đồ bồi bổ dương khí. Những chiếc nanh hổ cũng bị nhổ ra đem bán cho những đại gia thích sưu tập với giá cả chục triệu đồng. Còn thịt hổ được chế biến thành nhiều món nhậu hoặc nấu cao. Những lời đồn thổi về tính năng “trị bách bệnh” của cao hổ cốt khiến nhiều người phải “săn” cho kỳ được vài lạng cao hổ cốt để “pha chế” trong bàn tiệc, chứng tỏ đẳng cấp với thiên hạ. Việc mua, bán, tiếp thị loại cao này cũng khá rầm rộ trên mạng cũng như tại các nhà hàng, quán nhậu. Giá cả thì cũng thật phong phú, từ 20-30 triệu đồng/lạng cho đến giá “siêu rẻ” chỉ chừng vài ba triệu đồng. Chính vì nguồn “cầu” ngày một gia tăng của giới thượng lưu đã kéo theo nguồn cung tăng, khiến nạn săn bắt ĐVHD ngày càng hoành hành.
Quá khó để bảo tồn động vật hoang dã
Có quá nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khiến bảo tồn ĐVHD quý hiếm tại Việt Nam gặp bất cập. Thứ nhất, hiện hầu hết quần thể ĐVHD VN có số lượng ít. Hơn nữa, đặc thù rừng Việt Nam lại là các mảng rừng đều bị chia cắt nhỏ, khu bảo tồn lớn nhất là Yokdon cũng chỉ hơn 100.000ha, Cát Tiên là 70.000ha... Sự chia cắt sinh cảnh lớn nên động vật không có hành lang để giao lưu với nhau. Một yếu tố quan trọng nữa là các khu bảo tồn nước ta đang bị tác động lớn bởi con người. Áp lực hàng ngày vào rừng rất lớn trong khi lực lượng chức năng vừa yếu, vừa thiếu lại không có địa vị pháp lý, thậm chí nhiều nơi còn không được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và các ngành.
Hiện nay, 2 quy định pháp luật gây lo ngại nhất đối với các nhà khoa học và các nhà bảo tồn là Nghị định 32/2006 do Chính phủ ban hành về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và Thông tư 90/2008 do Bộ NN-PTNT ban hành về việc hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi tịch thu. Căn cứ trên những văn bản này, nhiều loài ĐVHD có giá trị kinh tế cao bán đấu giá sẽ tăng thêm kinh phí cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu muốn tăng ngân sách nên tăng khung hình phạt và xử phạt đối tượng vi phạm nghiêm minh, chứ không chỉ bán đấu giá. Phải tách bạch rõ ràng hai chức năng bảo vệ ĐVHD và tăng nguồn thu cho ngân sách để bảo đảm quá trình thực thi pháp luật được minh bạch, nghiêm khắc. Điều 190, Bộ Luật Hình sự đã quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, ngoài các chế tài phạt tiền, người vi phạm có thể bị tù tới 7 năm. Nhưng cho đến nay, mặc dù động vật hoang dã bị giết hại, buôn bán hàng ngày, nhưng mới chỉ có vài phiên tòa xử các vụ vi phạm các quy định bảo vệ động vật hoang dã. Chế tài không nghiêm chính là nguyên nhân chủ yếu để động vật hoang dã đang vắng dần đi trong các cánh rừng hiếm hoi trên đất nước.
Điều lưu ý cuối cùng dành cho các đại gia và những người ham thưởng thức động vật hoang dã là hầu hết các thịt và động vật hoang dã từ nơi săn bắt được về đến thành phố đều đã thiu thối và các nhà hàng phải sử dụng các chất tẩy rửa hóa học để làm sạch lẫn làm tươi. Ăn những của thiu thối này, khỏe chưa thấy đâu, bệnh lại chắc chắn mắc.
(Theo ANTĐ)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/191578/bua-an-tan-doc-va-su-bao-oan-khong-the-tranh.html
|