ảnh minh họa
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi mảng xơ vữa bị vỡ, gây tắc hoàn toàn hoặc không hoàn toàn động mạch vành. Do đó, cần phòng ngừa (điều trị tăng mỡ máu, ổn định HA, đường huyết, không hút thuốc lá...) và điều trị sớm khi phát hiện bệnh.
Có 3 phương pháp để điều trị nhồi máu cơ tim cấp: điều trị tái tưới máu động mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết; can thiệp động mạch vành tiên phát cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có triệu chứng trên điện tim (ECG); phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành cấp cứu.
Khi đã xảy ra nhồi máu cơ tim cấp, điều quan trọng nhất là phát hiện, xử lý cấp cứu thích hợp và giải quyết vấn đề tắc nghẽn của động mạch vành trong thời gian sớm nhất để tránh biến chứng và tử vong. Thông thường thời gian vàng để giải quyết là 12 giờ.
Thời gian qua, BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp đã cấp cứu nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, trong đó yếu tố đến sớm và xử trí cấp cứu thích hợp giúp cứu sống bệnh nhân. Điển hình như bệnh nhân Đào Thu D. (50 tuổi, ngụ P.4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp), công tác tại Bưu điện tỉnh Đồng Tháp. Ông D. nhập viện lúc 8 giờ ngày 9.7.2014 trong tình trạng đau ngực khoảng 30 phút, đau vùng sau xương ức, cảm giác bóp nghẹt, đau dữ dội kèm vã mồ hôi nhiều, huyết áp thấp tiền căn không ghi nhận tăng huyết áp, đái tháo đường, có thói quen hút thuốc lá. Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ Khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp đã nhanh chóng điều trị đúng phác đồ và quyết định chuyển viện để can thiệp động mạch vành trong thời gian rất sớm, nhờ vậy bệnh nhân được cứu sống mà không để lại di chứng.
Cần chú ý cơn đau thắt ngực điển hình: đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, số ít trường hợp vùng thượng vị; đau lan lên cổ, cằm và mặt trong tay trái đến ngón đeo nhẫn và ngón út trái kèm theo triệu chứng vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau: bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đường. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút.
Hiện nay, khoa học đã tiến bộ nên có thể chủ động phát hiện nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim sớm bằng các kỹ thuật tiên tiến như:
- Chụp DSA là phương pháp chụp mạch vành có can thiệp, cần luồn catether vào mạch máu để chụp. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, trang bị máy móc thiết bị dụng cụ cao cấp và phải làm trong phòng mổ... nên chỉ có các cơ sở chuyên sâu mới thực hiện được.
- Chụp mạch vành không can thiệp bằng CT đa lát cắt. Tại BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp đã trang bị. Phương pháp tiên tiến giúp phát hiện được các vị trí hẹp của mạch vành một cách dễ dàng mà không cần phải can thiệp như DSA. Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) động mạch vành là phương pháp khả thi, chẩn đoán nhanh, không xâm lấn, mức độ chính xác cao, chẩn đoán các bệnh động mạch vành ở giai đoạn sớm nhất, làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống thông qua việc ổn định mảng xơ vữa và kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành