Ngày 11/7, tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 26/6/2014, NAFIQAD nhận được Công thư của Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) thông báo một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ năm 2013 đến tháng 4/2014 không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong đó có sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương như: Bánh mỳ hương dừa, bột sắn, bánh quy, bánh kem, bánh trứng, kem xốp, mứt sen ...
|
Ảnh minh họa. |
Theo công văn số 1218 /QLCL-CL2 gửi vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, V/v xử lý lô hàng thực phẩm phía Trung Quốc cảnh báo, ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Nafiqad đề nghị Bộ Công Thương cần điều tra và có thông báo cho phía Trung Quốc về kết quả điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục và tránh phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt những mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Trước đó ngày 23/6/2014, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đã nhận được thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) có Công thư thông báo việc một số lô hàng trái cây của Việt Nam như: Chuối, Thanh long... xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật.
Liên quan đến 17 lô hàng gần 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc tuồn sang Việt Nam, đầu tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ra thông báo gửi Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Việt Nam, yêu cầu trả lời về số lượng hoa quả này.
Ngày 12/6, trao đổi ngắn với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: "Vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Trung Quốc". Đồng thời, ông Tiệp khẳng định sẽ có thông báo công khai ngay khi nhận được câu trả lời từ phía Trung Quốc.
Ngày 27/5, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi công văn cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu - Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cảnh báo về 17 lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ nước này xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Việt Nam.
Theo danh sách đính kèm, các lô hàng này gồm có: quýt tươi, cà rốt, nho tươi, chanh tươi, hồng quả, táo, cam tươi và củ cải trắng. Trong đó, quýt tươi bị phát hiện vi phạm nhiều nhất với 8 lô hàng (126 tấn), cà rốt 2 lô (54 tấn), táo quả 1 lô (40 tấn), nho quả tươi 2 lô (20 tấn), còn lại mỗi mặt hàng có 1 lô vi phạm, khối lượng từ 6 đến 15 tấn.
Các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện vượt ngưỡng gồm: Carbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite (dùng để diệt nhện) và Methomyl. Do đó, NAFIQAD đề nghị AQSIQ thông báo cho các cơ quan chức năng phía Trung Quốc điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc lô hàng trái cây Trung Quốc bị cảnh báo và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp, đồng thời thông báo kết quả tới NAFIQAD để tránh tái diễn tình trạng nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết 17 lô hàng vi phạm trên được phát hiện trong những tháng đầu năm 2014, toàn bộ hàng hóa đã được tiêu thụ hết.
Đầu năm 2014, Cục An toàn thực phẩm cũng đã lấy mẫu, kiểm nghiệm một số mặt hàng thực phẩm (bánh kẹo, ô mai, hạt dẻ, táo khô, nho khô, mứt,..) có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được các cơ quan chức năng tạm giữ tại Hà Nội.
Sau khi điều tra đã xác minh các lô sản phẩm thực phẩm nêu trên là hàng thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã buộc tiêu hủy các lô hàng này.
Theo đó, toàn bộ số hàng gồm 23.160kg gồm nho khô, hạt dẻ cười, táo, ô mai, kẹo, quả óc chó…đã buộc bị tiêu hủy. Ngoài ra, đơn vị nhập sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng bị phạt tiền cảnh cáo.
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Trung-Quoc-to-nguoc-hoa-qua-banh-keo-Viet-Nam-post147228.gd
|