ảnh minh họa
1. Tại TP HCM, chỉ cần ghé vào chợ hay bất cứ cửa hàng tạp hóa nào cũng có thể dễ dàng mua được hàng chục loại "gia vị" xuất xứ từ Trung Quốc. Gia vị để nấu phở gà là một cái chai - tương tự như chai sốt cà chua - bên trong chứa chất sền sệt màu vàng đục, thơm mùi mỡ gà. Gia vị cho món thịt nướng là những bịch nhỏ như bịch sữa tắm, có một chất màu nâu hơi nhầy. Nhỏ mà… có "võ", chỉ cần 1 bịch "sốt thịt nướng" cũng đủ để ướp 1kg thịt heo, còn muốn nấu món bún mắm thì việc gì phải lích kích củ nghệ, củ sả, ớt xay cho mất công, mà chỉ cần một viên bún mắm “Made in China” giá 5.000 đồng là nồi nước lèo bốc mùi thơm phức, 50 - 60 người ăn vẫn… vô tư!
Nói không ngoa, người ta choáng váng vì sự đa dạng của nó. Trong các siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm lớn, gia vị có xuất xứ từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…, mỗi gói giá không dưới 50 nghìn đồng nhưng ở các tiệm tạp hóa, các chợ nhỏ, gia vị Trung Quốc dưới dạng bột, viên, nước, đắt nhất cũng chỉ 8.000 đồng mà chỉ cần 1 gói hoặc 1 viên, có thể nấu cho hàng chục người ăn. Mùi vị thì bao la: Từ thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái cho đến canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang, bún riêu, bún mắm nhưng sốc nhất vẫn là nước cốt dừa.
Theo phương pháp truyền thống, muốn có nước cốt dừa thì phải lựa trái dừa có độ khô nhất định, nạo ra, trộn nước ấm rồi vắt nhưng với công nghệ Trung Quốc, chỉ cần 1 gói 100gr pha với nước là có ngay 1 lít nước màu trắng đục, béo ngất ngây, để cả ngày chẳng sợ thiu. Hèn gì chị bán chè chuối hằng ngày vẫn gánh qua nhà tôi rồi khi mấy đứa trẻ gọi mua, chén nào chén nấy chị cho 3, 4 muỗng canh nước cốt dừa nên cũng dễ hiểu vì sao tụi trẻ là khách hàng "chí cốt" của chị.
Tất cả những loại được gọi là "gia vị" ấy, người bán cho biết họ mua ở chợ Kim Biên, chợ đầu mối Bình Điền. Tò mò, tôi ra hai chợ này xem thử thì chao ơi, hương liệu gần như không thiếu một thứ gì. Tại một quầy, tôi nghe người bán tiếp thị với một phụ nữ khi chị này hỏi mua "bột béo" để nấu sữa đậu nành: "Mỗi gói giá 100 nghìn đồng. Mua về pha với hương sữa, hương đậu nành, đường cát và 25 lít nước là có ngay 25 lít sữa".
Nhẩm thử một phép tính: Cứ mỗi ly "sữa đậu nành" ở một số điểm bình dân bán bên đường giá 10 nghìn đồng thì 25 lít sẽ có 100 ly, người bán thu về 1 triệu đồng. Trừ chi phí vốn liếng khoảng 300 nghìn, người bán lãi 700 nghìn mà chẳng phải nhọc công xay đậu, nấu nướng, còn người uống có ra sao chắc chỉ… trời biết!
Vẫn tại quầy này, người bán quảng cáo: "Nếu muốn mua hương liệu nấu nước mát thì ở đây có sẵn nha đam, chanh dây, cam, ổi, dâu, bí đao, hương cúc, mía lau, trà xanh, rong biển…, giá mỗi ký từ 60.000 đến 80.000 đồng". Khi biết tôi muốn mua loại gia vị giúp cho lớp da heo quay vừa giòn, vừa đỏ lại vừa có mùi thơm vì tôi tự giới thiệu rằng mình có mối tiêu thụ, ông chủ sạp gia vị ở chợ Kim Biên mau mắn: "Đây! 80 nghìn một gói, tẩm vô rồi đem quay, heo chết non biến thành heo sữa, heo lở mồm long móng thành heo xịn".
Cái gói mà ông ta đưa tôi chỉ là một bịch nylon, nặng khoảng 100gr, miệng hàn kín bằng đèn cầy, chắc là được chia nhỏ ra cho dễ bán. Nó là một chất bột màu nâu đỏ, rất mịn, đem về hòa tan với dầu ăn rồi trước khi cho vào lò quay, quét lên da heo một lớp. Tôi hỏi xuất xứ từ đâu? Ông chủ sạp nheo mắt: "Trung Quốc. Bảo đảm an toàn. Nhiều lò heo quay mua loại bột này của tôi từ năm này qua năm khác mà có thấy ai phàn nàn gì".
Chai "gia vị" phở gà này có thể nấu cho 100 người ăn.
Cũng ở chợ đầu mối Bình Điền, ngoài gia vị mà chúng tôi vừa nêu ở trên, còn có những loại gia vị khác dưới dạng củ, quả. Đó là từng rổ củ gừng mập mạp, vàng ươm, từng chùm tỏi trắng phau, từng đống ớt đỏ thẫm và người bán không hề giấu giếm xuất xứ của nó. Mà có giấu chăng nữa cũng không thể qua mắt được người biết tiếng Hoa bởi lẽ trên các thùng đựng những loại gia vị này, đều in bằng chữ Trung Quốc.
Theo lời những người mua về bán lại hoặc mua về để chế biến trong các quán ăn, nhà hàng, thì nếu mua nguyên thùng giá sẽ rẻ hơn mua lẻ từng ký.
Anh Chấy - tôi tạm gọi tên anh như thế, chủ một quán nhậu ở quận 11 nói: "Mua củ gừng của người mình trồng thì rất khó gọt vì nó cong queo, ngóc ngách. Còn gừng Trung Quốc vừa mập, vừa tròn, lại rất dễ gọt". Tỏi cũng vậy, nếu như tỏi ta củ thường nhỏ, có nhiều tép thì tỏi Trung Quốc ít tép, lại to nên nhiều nhà hàng đến đây mua về chế biến.
Tôi hỏi vậy còn mùi thơm thì sao vì tỏi Trung Quốc ăn như ăn bột? Anh Chấy cười: "Cũng như củ hành, tỏi xắt mỏng, phi vàng lên thì chẳng ai phân biệt được đâu là tỏi ta, đâu là tỏi Tàu".
2. Có thể nói, chưa bao giờ người tiêu dùng - nhất là giới công nhân, những người buôn thúng bán bưng, người có thu nhập thấp lại phải chịu cảnh ăn bẩn, uống bẩn như bây giờ. Bên cạnh thịt bẩn, rau bẩn, còn có gia vị bẩn.
Thầy giáo Nguyễn Long Thành, thạc sĩ hóa học, hiện giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Thầy Đồ ở quận Gò Vấp cho biết, bản thân các loại mùi đã là chất độc vì chúng là dẫn xuất của các hợp chất benzen mạch vòng. Do đó, không chỉ mùi cho thực phẩm mà cả mùi cho mỹ phẩm - đặc biệt là các loại mỹ phẩm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể - cũng phải tuân theo những quy định chặt chẽ về liều lượng.
Gia vị của Việt Nam cũng rất phong phú nhưng không được ưa chuộng vì giá thành không rẻ như gia vị Trung Quốc.
Ở các nước, việc mua bán hóa chất công nghiệp và hương liệu phụ gia thực phẩm hoàn toàn tách biệt nhau. Hương liệu phụ gia thực phẩm chỉ được bán ở các cửa hàng thực phẩm, có ghi rõ công thức hóa học và đã được kiểm tra về độ an toàn khi sử dụng trong chế biến thức ăn cho người. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đại đa số những loại "gia vị" như thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái cho đến canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang, bún riêu, bún mắm, nước cốt dừa… đều được nhập lậu từ Trung Quốc vào nước ta theo các lối mòn biên giới, và đều không qua khâu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, chuyên khoa dinh dưỡng cho biết, ở Việt Nam chưa có những cảnh báo chính thức về tác hại của mùi đối với người sử dụng; cũng như chưa có những quy định chặt chẽ về liều lượng mùi trong thực phẩm nên người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào "lòng nhân đạo" của nhà sản xuất mà thôi. Riêng với những "gia vị" nhập lậu từ Trung Quốc, phần lớn được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa chất. Nó đánh lừa vị giác, khứu giác, thị giác của người ăn chứ hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng, chưa kể một số hóa chất có trong gia vị có thể gây ra nhiều chứng bệnh như ung thư, tiểu đường, viêm dạ dày, ruột, gan, thận… nếu ăn uống lâu dài.
Vì vậy, với những loại thức ăn đường phố và ngay cả trong một số tiệm ăn, hãy dè chừng những món ăn có mùi thơm nồng nặc vì theo bác sĩ Lưu, rất có thể nó đã được tẩm "gia vị" bởi lẽ khi tác dụng với nhiệt độ cao, những loại gia vị này thường bay hơi nhanh, tạo ra sự quyến rũ chết người