ảnh minh họa
Nhưng nếu cả đêm trằn trọc, suy tư thì ngày mai chắc hẳn bạn phải mang một bộ mặt bơ phờ vì mệt mỏi. Vậy làm thế nào để có giấc ngủ ngon xua tan mệt nhọc?
Có thể có hoàn toàn nghỉ ngơi khi ngủ?
Giấc ngủ gồm nhiều giai đoạn thay đổi nhau tạo thành chu kỳ trong suốt đêm. Một số giai đoạn của giấc ngủ cần thiết cho cơ bắp và thần kinh được nghỉ ngơi để cơ thể trở về trạng thái khỏe mạnh, có đủ năng lực cho ngày mai hoạt động tốt nhất. Có những giai đoạn giúp chúng ta học tập và ghi nhớ kiến thức vào não. Giấc mơ là một hình thức làm việc của bộ não khi ngủ. Tim và phổi vẫn hoạt động rất nhịp nhàng khi chúng ta đang ngủ. Như vậy, khi ngủ, cơ thể con người có những bộ phận được nghỉ ngơi, nhưng cũng có những cơ quan vẫn làm việc, thực hiện các chức năng sinh lý. Vì thế, nếu ngủ không đủ làm cho chúng ta mỏi mệt cả thể xác lẫn tinh thần, có thể gây nguy hiểm trong lao động, sinh hoạt,nhất là khi lái xe hay vận hành máy móc.
Ngủ được là “tiên”
Phải ngủ đủ giấc mới khỏe, không chỉ là thời gian mà chất lượng của giấc ngủ cũng rất quan trọng. Người nào mà giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hay chỉ ngủ ít thời gian có thể không đủ cho một số giai đoạn của giấc ngủ. Nếu ta ngủ ngon đêm trước thì hôm sau mới có thể suy nghĩ rõ ràng, phản ứng nhanh và có trí nhớ tốt. Có nhiều điểm trong não giúp chúng ta học hỏi và ghi nhớ hoạt động rất mạnh khi ngủ. Nhiều nghiên cứu cho biết: khi được giao nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, người ta hoàn thành tốt hơn sau một đêm ngủ ngon. Nếu thiếu ngủ, phần lớn chúng ta đưa ra quyết định không tốt và gây nhiều rủi ro, học tập đạt kết quả kém...
Giấc ngủ cũng ảnh hưởng lớn đến tính khí, thiếu ngủ bạn sẽ dễ bực tức, sinh thái độ xấu và gặp trở ngại trong giao tiếp, nhất là ở trẻ em hay lứa tuổi vị thành niên. Những người mất ngủ thường xuyên có thể bị trầm cảm. Nếu thường xuyên ngủ không đủ hay chất lượng giấc ngủ kém dễ bị tăng huyết áp, bệnh tim và nhiều bệnh khác. Trong khi ngủ, cơ thể còn sản xuất ra các nội tiết tố cần thiết cho các cơ quan hoạt động. Chẳng hạn khi ngủ sâu kích phát tiết hormon tăng trưởng, giúp trẻ em mau lớn, giúp tạo cơ bắp và hàn gắn vết thương nhanh hơn. Một số chất nội tiết tố khác cũng tăng lên trong giấc ngủ giúp cơ thể tăng miễn dịch, chống bệnh tật. Nội tiết tố tiết ra trong giấc ngủ cũng tác động lên cách sử dụng năng lượng của cơ thể khi chúng ta càng ít ngủ thì càng lên cân và béo mập, phát sinh bệnh tiểu đường, hay thích ăn thức ăn chứa nhiều năng lượng.
Phương pháp giúp ngủ ngon
Nhu cầu giấc ngủ khác nhau tùy từng người và thay đổi trong từng lứa tuổi. Đa sốngười lớn cần ngủ mỗi ngày từ 7 - 8 giờ. Trẻ sơ sinh ngủ từ 16 - 18 giờ mỗi ngày. Trẻem trước tuổi đi học ngủ từ 10 - 12 giờ mỗi ngày. Trẻ em ở tuổi đi học cần 9 giờ cho giấc ngủ hàng ngày. Người cao tuổi thường ngủ ít đi và có xu hướng dùng ít thì giờ cho giấc ngủ sâu nhưng lại dễ bị thức giấc hơn. Muốn ngủ ngon, bạn cần thực hiện các phương pháp sau:
Đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày, ngay cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày nhưng đừng tập sát giờ ngủ. Không dùng hoặc hạn chế uống cà phê và hút thuốc lá vì chất caffein trong cà phê, trà, nicotin trong thuốc lá là chất kích thích, làm khó ngủ hoặc đối với một số người là mất ngủ hoàn toàn. Tránh uống rượu trước khi đi ngủ vì dễ bị thức giấc khi nửa đêm. Bạn cũng nên tránh bữa tối muộn và thịnh soạn vì: ăn nhiều sẽ gây khó tiêu và rất khó ngủ. Tránh uống nhiều nước buổi tối do bạn sẽ phải thức giấc để đi tiểu đêm.
Bạn cần thư giãn trước khi vào giường như đọc sách, nghe nhạc trước để giảm căng thẳng sẽ giúp ngủ ngon. Không gian phòng ngủ cần yên tĩnh, tránh tiếng động, ánh sáng quá mạnh, bạn không nên để tivi, máy tính trong phòng ngủ. Nhiệt độ trong phòng ngủ cần mát mẻ, dễ chịu vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Bạn nên nhớ đi khám khi bị rối loạn giấc ngủ, đừng tự ý dùng thuốc gây ngủ có thể gây hại cho sức khỏe.